Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ có 3 tuyến đường sắt kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) và TP.HCM, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Chiều 20/11, tiếp tục chương trình đợt 2 kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) thông tin có nhiều loại hình giao thông kết nối sân bay Long Thành với TP.HCM.
Theo đó, trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án cũng như trong quá trình lập các quy hoạch quốc gia ngành GTVT, Bộ GTVT đã hoạch định và đang đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối trung tâm TP.HCM và các vùng lân cận tới cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về đường bộ, hiện đang đầu tư các tuyến mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành và Chính phủ đang giao cho VEC triển khai thực hiện các thủ tục để nâng từ 4 làn lên 8 làn và 10 làn dự kiến sẽ triển khai và hoàn thành vào năm 2027.
Ngoài ra, xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM, dự kiến hoàn thành trong năm 2026, giúp kết nối từ TP.HCM đến Long Thành.
Và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành giúp kết nối khu vực phía nam của TP.HCM cũng dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giúp kết nối các khu vực phía bắc của TP.HCM.
Về đường sắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết có 3 tuyến đường sắt kết nối, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, từ ga Thủ Thiêm đến ga Long Thành.
Hiện, Bộ GTVT đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt nhẹ kết nối từ ga Thủ Thiêm (TP.HCM) đến ga Long Thành (Đồng Nai) để kêu gọi đầu tư và dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có phần vốn của nhà nước tham gia.
Bên cạnh đó, cũng đã có quy hoạch tuyến đường sắt kết nối từ cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến ga Thủ Thiêm.
Trước đó, ngày 30/10, Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư tỉnh Đồng Nai đã thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến đường tỉnh 769E giai đoạn 1.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 769E có điểm đầu giáp ranh với cảng hàng không quốc tế Long Thành, điểm cuối tuyến giao với đường tỉnh 770B. Theo quy mô đầu tư hoàn thiện đường tỉnh 769E có tổng chiều dài tuyến hơn 8 km.
Dự án được chia làm 2 đoạn để thực hiện đầu tư, trong đó, đoạn 1 từ ranh giới sân bay Long Thành đến depot đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có quy mô mặt cắt ngang rộng 115 m. Đoạn 2 từ depot đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến đường tỉnh 770B, quy mô mặt cắt ngang rộng 95 m.
Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư xây dựng trước 2 đường song hành 2 bên, mỗi bên rộng 15 m. Cùng với đó, đầu tư xây dựng 4 cầu bê tông cốt thép trên tuyến gồm các cầu Suối Đục, Quân Y 1,2 và Suối Sâu.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 600 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024-2029.
Việc đầu tư tuyến đường tỉnh 769E nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh, tăng cường khả năng lưu thông giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam với các tỉnh phía bắc và các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Đặc biệt, cùng với các tuyến T1, T2, tuyến đường tỉnh 769E sẽ kết nối trực tiếp với khu vực phía bắc sân bay Long Thành đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các huyện có tuyến đường đi qua nói riêng và của tỉnh nói chung.
Đồng thời, tuyến đường chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông, tránh tình trạng các phương tiện tập trung về khu vực phía nam sân bay Long Thành gây quá tải cho các tuyến giao thông khu vực phía như các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu cũng như quốc lộ 51 và tuyến T1, T2 khi sân bay này được đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2026.