Doanh nghiệp hàng không trước nỗi lo Mỹ áp thuế đối ứng cao lên hàng Việt
Nam Bình•05/04/2025 05:28
Các hoạt động vận chuyển hàng hóa hay vận chuyển hành khách bằng đường hàng không dự báo sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế đối ứng cao lên hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, hoạt động mua máy bay, trao đổi dịch vụ hàng không… được kỳ vọng sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước.
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một khuôn khổ thuế quan quy mô lớn. Theo đó, từ ngày 5/4, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế đối ứng với hàng hóa từ Việt Nam lên tới 46%.
Lo chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu có thể sẽ giảm
Trao đổi với Tạp chí Hàng khôngOpensky, ông Đào Đức Vũ – Tổng giám đốc Vietravel Airlines cho rằng, việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chắc chắn sẽ gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa của ngành hàng không Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp.
Với vận chuyển hàng hóa, mức thuế cao hơn sẽ làm tăng giá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, có thể dẫn đến giảm sức cạnh tranh và do đó giảm khối lượng xuất khẩu sang Mỹ. Điều này trực tiếp làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giữa Việt Nam và Mỹ.
Ngoài ra, cơ cấu mặt hàng vận chuyển cũng sẽ thay đổi. Các mặt hàng chịu thuế cao có thể giảm vận chuyển, trong khi các mặt hàng ít bị ảnh hưởng hơn hoặc có giá trị cao hơn có thể chiếm tỷ trọng lớn hơn trong vận chuyển hàng không.
Về chi phí vận chuyển bằng đường hàng không, theo ông Vũ, các hãng hàng không có thể phải đối mặt với áp lực giảm giá để duy trì khối lượng vận chuyển. Hoặc ngược lại, có thể tăng giá cước vận chuyển để bù đắp cho sự sụt giảm về số lượng hàng hóa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu giảm, việc tăng giá có thể phản tác dụng.
Các dịch vụ logistics liên quan cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới. Theo đó, các công ty giao nhận, kho bãi và các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa khác cũng sẽ bị ảnh hưởng theo sự thay đổi trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, nếu các doanh nghiệp Mỹ tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế ở các quốc gia khác không bị áp thuế cao, điều này có thể làm giảm nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ do doanh nghiệp chuyển hướng sang các tuyến vận chuyển khác.
Đối với vận chuyển hành khách, lưu lượng hành khách có thể giảm do lượng khách công vụ, khách du lịch có xu hướng giảm. Ông Vũ cho rằng, nếu hoạt động thương mại giữa hai nước suy giảm do thuế, số lượng các chuyến công tác liên quan đến xuất nhập khẩu cũng có thể giảm theo.
Các doanh nghiệp dự báo, khi xuất khẩu sụt giảm, nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không đến Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, mặc dù ít chịu ảnh hưởng trực tiếp hơn, nhưng nếu kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế quan, điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng chi tiêu cho du lịch quốc tế của người dân. Ngược lại, nếu giá hàng hóa Mỹ tại Việt Nam tăng do thuế đối ứng, nhu cầu du lịch mua sắm từ Việt Nam sang Mỹ cũng có thể giảm.
“Các hãng hàng không có đường bay trực tiếp hoặc kết nối đến Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các hãng hàng không Việt Nam đang hoặc có kế hoạch khai thác đường bay đến Mỹ có thể phải đối mặt với những thách thức về doanh thu và lợi nhuận nếu lưu lượng hành khách và hàng hóa giảm”, ông Vũ nhận định.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào mức độ cạnh tranh và sự thay đổi trong nhu cầu, giá vé máy bay trên các tuyến Việt Nam - Mỹ có thể phải điều chỉnh. Các công ty lữ hành, khách sạn và các dịch vụ du lịch khác phục vụ khách du lịch giữa Việt Nam và Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng.
Do đó, ông Vũ cho rằng, các hãng hàng không Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình, đánh giá lại các kế hoạch khai thác và có thể cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh để ứng phó với những thay đổi này. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và các tuyến bay có thể trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Máy bay, công nghiệp hàng không… có giúp cân bằng cán cân thương mại?
Theo các chuyên gia, cách tính mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam được tính dựa trên thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Do đó, việc cân bằng cán cân thương mại với Mỹ về lâu dài có thể là cơ sở để Mỹ giảm mức thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng, trong thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh, hiểu cú sốc và ứng phó bằng chiến lược.
“
Việc áp thuế ở mức từ 10 - 40% có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh về giá, dẫn đến nguy cơ bị hủy đơn hàng, doanh nghiệp phải giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực khác!
TS Chu Thanh Tuấn.
Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh đàm phán cấp cao với chính quyền Tổng thống Donald Trump để tránh bị áp thuế, chủ động đề xuất một khuôn khổ hợp tác kinh tế đặc biệt thay vì chờ đợi Mỹ ra quyết định áp thuế ở mức cao.
Cụ thể, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để cân bằng thương mại. Trong đó, máy bay, dịch vụ, công nghiệp hàng không, khai thác dầu khí và nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu… là những lĩnh vực có thể giúp cân bằng thương mại giữa hai nước.
TS Chu Thanh Tuấn cho rằng, trên thực tế, các hãng hàng không Việt Nam như Vietnam Airlines và VietJet hiện đã ký các hợp đồng mua máy bay Boeing nhưng có thể đẩy nhanh quá trình nhận hàng để tăng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ.
Chính phủ Việt Nam có thể xem xét đặt hàng thiết bị công nghệ, thiết bị y tế, và các sản phẩm quốc phòng từ Mỹ để tạo thêm giá trị thương mại hai chiều.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng chứng kiến Lễ ký thỏa thuận thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Mỹ. Ảnh: TTXVN.
Hồi giữa tháng 3 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, Đặc phái viên của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chứng kiến buổi lễ ký kết và công bố các thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu và dịch vụ, hàng hóa giữa các doanh nghiệp Việt - Mỹ.
Tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong dịp này dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2025 với giá trị khoảng 90,3 tỷ USD, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động hai nước.
Trong đó, các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết và sẽ triển khai từ năm 2025 là 50,15 tỷ USD, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu.
Riêng các hợp đồng, thỏa thuận ký kết ngày 13/3 trị giá 4,15 tỷ USD. Các thỏa thuận đang được doanh nghiệp hai bên đàm phán và dự kiến ký kết trong thời gian tới trị giá khoảng 36 tỷ USD.
Riêng ngành hàng không, nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã liên tục lên kế hoạch đặt hàng mua máy bay từ Mỹ, trị giá hàng tỉ USD. Mới đây nhất, Bộ Tài chính gửi công văn hướng dẫn Vietnam Airlines về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp.
Các lựa chọn có thể là Airbus A320NEO hoặc Boeing B737 MAX có tổng trị giá dự kiến khoảng 92.800 tỉ đồng (khoảng 3,7 tỉ USD). Nếu được triển khai đúng theo lộ trình, đây cũng là một trong những giải pháp góp phần gia tăng nhập hàng từ Mỹ, nỗ lực cân bằng hơn cán cân thương mại.
Ông Đinh Việt Phương - Tổng Giám đốc Vietjet cho biết, trong năm 2025, Vietjet sẽ nhận 10 tàu bay của Boeing trị giá 1,8 tỷ USD. Ảnh: VGP.
Tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các bộ, ngành và các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ chiều ngày 4/4, ông Đinh Việt Phương, Tổng Giám đốc Vietjet (Tập đoàn SOVICO) cho biết, năm 2025 Vietjet sẽ nhận 10 tàu bay của Boeing với trị giá 1,8 tỷ USD; tổng các hợp đồng từ Mỹ của Vietjet năm nay khoảng 2,2 tỷ USD…
Nhấn mạnh hoạt động của Vietjet cũng như của SOVICO với phía Hoa Kỳ là chiến lược, bền chặt, đại diện Vietjet cảm ơn Chính phủ đã dành sự quan tâm rất lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hợp tác với thị trường Hoa Kỳ thời gian qua, đồng thời nêu các kiến nghị để cuộc đàm phán sắp tới đạt kết quả tốt đẹp.
Đầu năm nay, Ban lãnh đạo Vietjet đã chuyến công tác đến Hoa Kỳ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.
Chuyến đi khẳng định sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực hàng không giữa hai quốc gia mà còn mở ra những cơ hội mới trong các ngành như công nghệ, tài chính và đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo và Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump trong chuyến công tác của ban lãnh đạo Vietjet đến Hoa Kỳ hồi đầu tháng 1 vừa qua. Ảnh: VGP.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2025 của Bộ Tài chính chiều ngày 3/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã rất chủ động trong việc rà soát, điều chỉnh mức thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Việc này hướng tới một cán cân thương mại bền vững hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, cần kiên trì tìm kiếm giải pháp, tiếp tục trao đổi với Hoa Kỳ để đạt được một sự cân bằng thương mại hợp lý, nhưng nên theo hướng cùng phát triển chứ không phải thu hẹp thương mại.
“Quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng hai nước", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận định.
Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ có chuyến công tác tham dự Chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), thăm làm việc tại Mỹ và thăm chính thức Cuba từ ngày 6-14/4/2025.
Lãnh đạo Bộ Tài Chính cũng cho rằng, chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được kỳ vọng sẽ giúp hai bên hiểu rõ hơn về tác động của chính sách thuế mới và có bước đi hỗ trợ phù hợp hơn.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.