Nội dung đề xuất điều chỉnh quy hoạch của cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng liên quan tới khu vực nhà ga hàng hóa không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô của công trình.
Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) có văn bản về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đối với khu vực nhà ga hàng hóa, theo đề xuất của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng và các cơ quan liên quan.
Theo đó, chỉ điều chỉnh cục bộ đối với khu vực xây dựng nhà ga hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, đồng thời góp phần xử lý khu đất nhiễm dioxin hiện đang hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Nội dung đề xuất điều chỉnh quy hoạch của Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng liên quan tới khu vực nhà ga hàng hóa không làm thay đổi tính chất, chức năng, quy mô của công trình, cơ bản phù hợp với định hướng phương án quy hoạch sân bay Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và được tư vấn quốc tế là liên danh ADPi - TEDI thẩm tra, rà soát.
Đồng thời, quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Cục Hàng không Việt Nam tư vấn rà soát, hoàn thiện làm cơ sở trao đổi, thống nhất với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có liên quan bị ảnh hưởng bởi phương án quy hoạch nên chưa thể sớm phê duyệt trong thời gian tới.
Bộ GTVT đề xuất triển khai thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch để đáp ứng tiến độ thực hiện dự án của cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phù hợp; đồng thời thống nhất với sự cần thiết thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên cơ sở đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Trong điều kiện nguồn lực, ngân sách Nhà nước hạn chế, Bộ GTVT đề nghị cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng nghiên cứu quy định của Chính phủ để cân nhắc việc tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Trường hợp cảng đồng ý tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, đề nghị doanh nghiệp có văn bản chính thức gửi Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ GTVT thống nhất về nguyên tắc việc tiếp nhận sản phẩm tài trợ theo đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam và yêu cầu các đơn vị liên quan nhận tài trợ bằng sản phẩm là hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc quy định.
Cũng tại miền Trung, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) có tờ trình gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng nhà ga T2 thuộc dự án thành phần 1, Cảng hàng không Đồng Hới (xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Đây là công trình giao thông cấp I thuộc dự án nhóm B có thời hạn sử dụng công trình theo thiết kế là 100 năm với người quyết định đầu tư là HĐQT ACV.
Theo đó, nhà ga hành khách T2 Sân bay Đồng Hới sẽ được thiết kế với công suất 3 triệu hành khách/năm (tương ứng với 1.200 hành khách/giờ cao điểm) và có định hướng phương án mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu (sau năm 2030).
Nhà ga hành khách T2 sân bay Đồng Hới được thiết kế với quy mô 2 tầng nổi kết hợp tầng lửng với 2 cao trình đi và đến tách biệt. Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ga là 17.567 m2, được kết nói với vị trí sân đỗ máy bay gồm 3 lối đi bằng cầu ống dẫn khách Code C và một lối đi bằng xe buýt sân bay Cobus. Theo thiết kế sơ bộ, nhà ga sẽ có 24 quầy làm thủ tục, ký gửi hành lý truyền thống, 2 băng chuyền bốc dỡ hành lý đi và 3 băng chuyền trả hành lý đến.
Ngoài công trình nhà ga, Dự án thành phần 1 - Xây dựng nhà ga T2, Cảng hàng không Đồng Hới còn xây dựng các hạng mục phụ trợ đồng bộ gồm hệ thống điện nước; cứu hoả; xử lý nước thải, tập kết chất thải rắn; nhà để xe máy, ô tô; căng tin; trạm thu phí; hệ thống đường giao thông, bãi đỗ xe; đường trục tiếp cận vào nhà ga…
Dự án thành phần 1 - Xây dựng nhà ga T2, cảng hàng không Đồng Hới có tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, tái định cư là 45 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 1.073 tỷ đồng; chi phí thiết bị là 387 tỷ đồng…
Đại diện ACV cho biết công trình dự kiến khởi công vào quý III năm nay, hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý I/2026. Khi hoàn thành công trình sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho địa phương.