tạp chí bầu trời

Dấu mốc được kỳ vọng thay đổi căn bản vận tải đường sắt

Sau nhiều năm nghiên cứu, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trình Chính phủ và đang được Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét. Bộ GTVT dự kiến giải phóng mặt bằng, lập thiết kế tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước 2026 để có thể khởi công năm 2028.

 
 

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong 10 năm tới Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trong đó ưu tiên triển khai trước đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh. Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội vào tháng 6/2010 song lúc đó không được thông qua.

Như vậy, sau 10 năm, dự án đường sắt tốc độ cao đang được khởi động lại. Lần này, Bộ GTVT đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách, còn đường sắt Bắc Nam quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.

Dấu mốc được kỳ vọng thay đổi căn bản vận tải đường sắt -0

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến trên 58 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng). Giai đoạn 1 (trước năm 2030) sẽ đầu tư 2 đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320 km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt đi trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay khoảng 4,5 giờ. Chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ 1 giờ. Giá vé tàu tốc độ cao 320 km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ, đường sắt tốc độ cao được đánh giá sẽ hấp dẫn hành khách.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay: "Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau đó, Bộ sẽ lập báo cáo khả thi, duyệt thiết kế, giải phóng mặt bằng và khởi công một số gói thầu trong 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang".

Theo lãnh đạo ngành Giao thông, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là tuyến quan trọng nhất vận chuyển hành khách trong giai đoạn tới. Địa phương có đường sắt đi qua có thể hình thành khu đô thị mới xung quanh ga mới, thúc đẩy phát triển kinh tế. Sau khi có đường sắt tốc độ cao chở hành khách, tuyến đường sắt cũ khổ 1.000 mm hiện sẽ đảm nhiệm vận tải hàng hóa. Bộ GTVT đã lập quy hoạch nhiều tuyến đường sắt kết nối với cảng biển.

Được biết, trong 9 tuyến đường sắt mới được quy hoạch đến 2030, lớn nhất là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) dài 1.545km…

Ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển cho rằng, những năm tới Việt Nam cùng lúc đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, do vậy tổng mức đầu tư mỗi dự án cần được tính toán kỹ để có hiệu quả tài chính. Suất đầu tư của nhiều dự án hạ tầng ở Việt Nam thời gian qua khá cao nếu so với nhiều nước trên thế giới. Đơn cử dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với tổng mức đầu tư đang được nghiên cứu nêu trên là cao, khó thu hồi vốn sau này và nếu vay ODA thì tạo gánh nặng ngân sách về sau. "Chính phủ cần thuê đơn vị tư vấn nước ngoài độc lập để lập báo cáo khả thi, sau đó đấu thầu quốc tế sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia", ông Đông đề xuất.                 

Bổ sung hệ thống tín hiệu tại 566 đường ngang có người gác

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có văn bản chỉ đạo việc giao kinh phí thực hiện việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo Quyết định 994. Phó Thủ tướng đồng ý ý kiến của Bộ Tài chính về việc bổ sung từ nguồn dự toán chi các hoạt động kinh tế của ngân sách Trung ương năm 2021 cho Bộ GTVT để giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thanh quyết toán các công trình đường ngang đã thực hiện, hoàn thành từ năm 2017 - 2019 và thực hiện, hoàn thành nâng cấp, cải tạo 82 đường ngang đang thực hiện dở dang từ năm 2020 xong trong năm 2022. Bộ GTVT đặt hàng toàn bộ với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống tín hiệu theo quy định đối với 566 đường ngang có người gác. Bộ Tài chính bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ năm 2022 và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2023.

Theo https://cand.com.vn/giao-thong/dau-moc-duoc-ky-vong-thay-doi-can-ban-van-tai-duong-sat-i640425/

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận