An toàn

Dặm và hải lý khác gì nhau?

Hoàng Anh 08/07/2024 06:38

Ngành hàng hải, hàng không và vũ trụ sử dụng hải lý vì các lộ trình và khoảng cách tuân theo quỹ đạo hình cầu, được tham chiếu đến bề mặt Trái Đất.

Dặm hải lý (tiếng Anh: nautical mile) là đơn vị đo khoảng cách được sử dụng trong hàng không, hàng hải, vũ trụ và để xác định lãnh hải.

Dặm hải lý được tính theo chu vi Trái Đất. Nếu cắt Trái Đất làm đôi theo đường xích đạo, ta có một lát cắt hình tròn. Chia hình tròn đó thành 360 độ, mỗi độ tương đương 60 phút. Mỗi phút là 1 hải lý.

Foto-2-768x778.png copy
Minh hoạ cách tính hải lý. Ảnh: HowStuffWork.

Một hải lý dài 1.852 m, tương đương 6.076 feet hay 1,1508 dặm.

Trong khi đó, dặm (mile) được đo bằng 1.000 bước chân, tương đương 1.609 m.

Đơn vị mét cũng được tính bằng cách sử dụng Trái Đất làm chuẩn. Đo khoảng cách từ hai cực đến xích đạo rồi chia khoảng cách đó cho 10.000.000, ta có đơn vị mét như Công ước Quốc gia Pháp ban hành tháng 8/1793.

Vì sao sử dụng dặm hải lý?

Ngành hàng hải và hàng không cần dùng phép đo riêng vì lộ trình và khoảng cách trong những ngành này tuân theo quỹ đạo hình cầu, được tham chiếu đến bề mặt Trái Đất.

Trong một hành trình trên biển hoặc trên không, hình cầu của Trái Đất trở thành yếu tố quyết định đến độ chính xác của phép đo. Biểu đồ hàng hải sử dụng vĩ độ và kinh độ, do đó thủy thủ dễ đo khoảng cách bằng hải lý hơn. Ngành hàng không, vũ trụ cũng sử dụng vĩ độ và kinh độ để điều hướng.

Trên thế giới không có cách viết tắt chung cho dặm hải lý. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) viết tắt là “NM". Viện Kỹ sư Điện - Điện tử và Văn phòng Xuất bản Chính phủ Mỹ quy định là “nmi". Tổ chức Thuỷ văn Quốc tế quy định dặm hải lý là “M".

Tổ chức Thủy văn Quốc tế chuẩn hóa phép đo 1 hải lý bằng 1.852 m vào năm 1929. Sau thiết lập chính thức này, Mỹ và Vương quốc Anh vẫn sử dụng các phép đo khác nhau trong một khoảng thời gian.

Đến năm 1954, Mỹ áp dụng dặm hải lý, tiếp theo là Vương quốc Anh vào năm 1970.

350px-nauticalmilecomparison.svg(1).jpg
Tương quan kilômét, dặm và hải lý. Một kilômét bằng 54% hải lý, một dặm bằng 86,9% hải lý.

Kể từ đó, dặm hải lý quốc tế do Tổ chức Thủy văn Quốc tế đặt ra trở thành tiêu chuẩn cho đường biển và đường hàng không, thống nhất các phép đo trên toàn cầu và đơn giản hóa việc điều hướng.

Đơn vị đo tốc độ theo hải lý

Knot là đơn vị đo tốc độ tiêu chuẩn trong ngành hàng hải và hàng không. Một hải lý bằng 1 knot. Nhưng hải lý đo khoảng cách còn knot đo tốc độ.

Di chuyển với tốc độ 1 nm/h ngang với 1 knot/h, tương đương 1.852 m/h, tức là khoảng 0,5144 m/s.

knots.gif
Phương pháp đo tốc độ thế kỷ 17. Ảnh: HowStuffWork.

Thuật ngữ "knot" có nguồn gốc từ một công cụ hàng hải thế kỷ 17 mang tên "ván gỗ gắn dây". Thủy thủ dùng sợi dây thừng có các nút thắt (knot) cách đều nhau, gắn vào một tấm ván gỗ để ước tính tốc độ của tàu.

Thủy thủ hạ miếng gỗ xuống nước, để nó trôi tự do phía sau tàu trong khoảng thời gian cụ thể. Sau khi thời gian trôi qua, thường được đo bằng đồng hồ cát, họ đếm các nút thắt giữa tàu và miếng gỗ để ước tính tốc độ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dặm và hải lý khác gì nhau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO