Tàu bay Airbus A320 rung lắc trong cảnh sấm chớp liên hồi, bầu trời tím ngắt. Hành khách không ngừng la hét, khóc và cầu nguyện.
Sam - cơn bão đổ bộ vào Hong Kong (Trung Quốc) tháng 8/1999 - khiến chuyến bay 642 chở 315 hành khách của China Airlines gặp sự cố. Tàu bay hạ cánh tại đường băng, rồi lật ngửa, bốc cháy, khiến 3 người tử vong, hơn 200 người bị thương, trong đó có khoảng 20 người bị thương nặng.
Sự việc được cựu tiếp viên hàng không Bùi Việt Thắng (sinh năm 1975, hiện sống tại Nha Trang) tận mắt chứng kiến. Bởi, tàu bay Vietnam Airlines mà anh phục vụ chỉ hạ cánh trước tàu bay "xấu số" kia khoảng 30 phút.
Cũng ở trên tàu bay trong khoảng thời gian bão Sam quét qua, cựu tiếp viên hàng không không khỏi xúc động, chia sẻ câu chuyện trong bối cảnh bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam.
"Chả nhẽ kết thúc ở đây sao? mình sống ngắn như vậy thôi ư?", Bùi Việt Thắng - nhớ lại suy nghĩ trên chuyến bay sinh tử - di chuyển từ TP.HCM đến Hong Kong (Trung Quốc) vào ngày 22/8/1999. Khi đó tàu bay Airbus A320 của anh phải di chuyển đến vòng thứ 5 trên trời trước khi tìm được "ngách" hạ cánh.
Theo cựu tiếp viên hàng không, khoảng một giờ đầu tiên sau khi cất cánh, chuyến bay vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, lúc bay đến không phận Hong Kong, bầu trời tím ngắt, bên ngoài cửa sổ xuất hiện sấm chớp lóe sáng như những nhánh rễ cây. Máy bay rung, lắc.
"Mỗi khi đèn máy bay chớp là hiện ra màu tím lịm. Hành khách người thì bịt tai, ôm đầu, người thì la hét, thậm chí còn người còn khóc lóc, cầu nguyện vì quá hoảng sợ", Bùi Việt Thắng nhớ lại.
Anh cho biết trước khi cất cánh, đội bay đã họp sơ bộ, nắm bắt tình hình thời tiết, nhưng không ngờ khi ấy lại diễn biến khó lường như vậy. Mọi người trên tàu bay khi đó giống như viên xúc xắc bị lắc qua lắc lại trong một chiếc hộp, không biết rồi kết quả ra sao. Dẫu vậy, các tiếp viên vẫn phải tự trấn an bản thân, để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tổ tiếp viên đã có cuộc họp khẩn, dự đoán các tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị kế hoạch xử lý. Các tiếp viên được yêu cầu tập trung cao độ, hướng dẫn lại thật kỹ hành khách về vị trí các cửa thoát hiểm, cách thắt dây an toàn, đóng bàn ăn và kéo rèm cửa sổ...
"Nói là không sợ thì không đúng. Nhưng tôi phải tự trấn an bản thân, để giữ bình tĩnh cho cả toàn bộ du khách trên chuyến bay. Đồng thời, đội bay cũng đã được đào tạo chuyên nghiệp để giảm thiểu rủi ro. Chúng tôi chỉ hy vọng hành khách hợp tác để chuyến bay thuận lợi nhất", cựu tiếp viên chia sẻ.
May mắn, tàu bay di chuyển vào khu vực có bão khi các tiếp viên đã phục vụ xong đồ ăn, thức uống, nên mọi vật dụng đã được cất gọn gàng, không bị rơi, va đập gây sự cố nào.
Bùi Việt Thắng kể lại thời khắc căng thẳng nhất của chuyến bay là lúc chờ máy bay tiếp đất.
Do tất cả các sân bay dự bị đã kín chỗ, tàu bay không còn dầu, sau 5 vòng lượn trên không, tiếp viên trưởng chỉ đạo họp khẩn, máy bay sẽ cố gắng hạ cánh tại sân bay quốc tế Hong Kong. Tổ chuẩn bị phương thức thoát hiểm trong trường hợp tệ nhất như máy bay gãy cánh, vỡ kính, cháy…
Anh Thắng tranh thủ ôn lại khẩu lệnh thoát hiểm, trong đầu nghĩ đủ các hướng xử lý. Thậm chí, các tiếp viên hàng không còn tháo bảng tên, hộ chiếu cột vào người, phòng trường hợp xấu nhất.
"Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ mà không thấy mặt đất đâu, chỉ có mây đen, gió mạnh, máy bay khi đó thì chao đảo. Tim tôi đập thình thịch, hai tay đan lại, rất hồi hộp, không biết khi nào mới hạ cánh được", anh Thắng kể lại, giọng chưa hết xúc động.
Ở trên cao, máy bay cố gắng né tránh các cụm mây tích điện để giảm thiểu sự rung lắc mạnh. May mắn, một khe mây cho phép tiếp cận đường băng, cơ trưởng đã chớp thời cơ hạ cánh ngay tức khắc.
Cuối cùng, cuộc hạ cánh "êm" ngoài sự dự đoán. Tất cả hành khách đều hò reo, vỗ tay không ngớt dành cho cú hạ cánh "hoàn hảo".
Tuy nhiên, chuyến bay sau đó của hãng China Airlines không gặp may mắn như vậy. Sự cố khiến sân bay quốc tế Hong Kong phải đóng cửa. Các tiếp viên hàng không đành nhập cảnh lại Hong Kong, ở lại khách sạn tại đây một ngày trước khi bay trở về Việt Nam.
Sau khi gây ra nhiều thiệt hại ở Philippines, Sam trở thành cơn bão trút lượng mưa lớn nhất cho Hong Kong kể từ khi có số liệu thống kê vào năm 1884, hơn 616 mm. Mưa lớn gây ra lũ lụt và hơn 150 trận lở đất trên khắp Hong Kong, khiến 1 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương.
Ngoài những thương vong trực tiếp do cơn bão gây ra, chuyến bay 642 của China Airlines, sử dụng máy bay MD-11, đã bị rơi khi đang cố hạ cánh tại sân bay quốc tế Hong Kong, khiến 3 người trên máy bay thiệt mạng. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, gió giật mạnh hơn 65 km/h được ghi nhận tại sân bay.
Bão sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền Trung Quốc, khiến ít nhất 17 người chết, 100 người bị thương ở Quảng Đông.