Mỗi chuyến bay an toàn là kết quả của hàng trăm quyết định chính xác trong buồng lái. Sau cánh cửa đóng kín, phi công đối mặt với áp lực từ thời gian, thời tiết, kỹ thuật và sự kỳ vọng của hành khách, gánh vác trách nhiệm ít ai thấu hiểu.
Ngành hàng không thế giới đang trải qua giai đoạn đầy thử thách khi hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra. Những hình ảnh máy bay bốc cháy, đường băng hỗn loạn và đặc biệt là những vụ việc gây thiệt hại về tính mạng con người lan truyền khắp các mặt báo và mạng xã hội, khắc sâu nỗi sợ hãi vào tâm trí những người thường xuyên di chuyển bằng đường hàng không.
Các cuộc khảo sát gần đây chỉ ra, số người Mỹ cảm thấy an toàn khi bay đã sụt giảm đáng kể. Sự lo lắng hiện hữu trong từng ánh mắt căng thẳng, những bàn tay siết chặt và những lời cầu nguyện trên các chuyến bay. Trong bối cảnh đó, các phi công - trong vai trò là người nắm giữ vận mệnh của chuyến bay - mỗi ngày đang phải đối mặt với áp lực kép: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mỗi chuyến bay, trong khi vẫn phải xoa dịu sự bất an của hành khách.
Với phần lớn hành khách, phi công là một ẩn số khi họ chỉ xuất hiện dưới "hình thức" là những giọng nói vang lên từ hệ thống liên lạc nội bộ trên máy bay. Sự bí ẩn này tạo cảm giác chuyên nghiệp trong bối cảnh thông thường. Tuy nhiên, đó lại là "thảm họa" khi chuyến bay gặp sự cố.
Nhận thức được điều này, một số phi công đã tìm cách kết nối với hành khách bằng những cảm xúc chân thành nhất. Cơ trưởng Phil "Ritz" Smith của Delta Air Lines là một ví dụ điển hình. Trong lời chào mừng trước chuyến bay, ngoài thông báo về hành trình, ông còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của hành khách trong cuộc sống của mình và cam kết bằng cả trái tim sẽ đưa họ đến đích an toàn.
Mặc dù đây không phải là yêu cầu bắt buộc trong quy trình bay nhưng nó đã mang lại hiệu ứng rõ rệt, khẳng định trách nhiệm, sự đồng cảm và kết nối giữa phi công với hành khách, giúp xoa dịu những lo lắng, đồng thời xây dựng lại niềm tin của hành khách trước mỗi chuyến bay.
Tuy nhiên, đằng sau những lời trấn an hành khách là áp lực nặng nề đối với phi công. Dennis Tajer, người phát ngôn của Hiệp hội Phi công Đồng minh (APA - Tổ chức công đoàn đại diện cho các phi công của American Airlines), không ngần ngại chia sẻ những báo cáo về áp lực mà đội ngũ phi công của hãng đang phải đối diện. Ông cũng chỉ ra các yếu tố đang đẩy ngành hàng không đến bờ vực nguy hiểm, trong đó có nhu cầu du lịch bùng nổ sau đại dịch hay làn sóng đình công của hàng loạt phi công và nhân viên kỳ cựu, bên cạnh việc công nghệ chưa được nâng cấp đồng bộ đã tạo ra môi trường làm việc căng thẳng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Tajer, một trong những áp lực đang đè nặng lên vai các phi công là họ phải giải trình, thậm chí bị khiển trách vì sự chậm trễ, dù chỉ vài phút - ngay cả khi đang trong giai đoạn đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối như cất, hạ cánh.
Điều này được so sánh với việc làm gián đoạn bác sĩ phẫu thuật tim mạch trong khi đang thực hiện ca mổ. Ông Dennis Tajer nhấn mạnh về ý tưởng "buồng lái vô trùng" - sterile cockpit (phương pháp duy trì máy bay yên tĩnh, không bị phân tâm trong các giai đoạn quan trọng của chuyến bay) sẽ là phương pháp hữu hiệu, đảm bảo an toàn hơn cho từng chuyến bay.
Ông Tajer cũng chỉ trích Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vì sự thay đổi liên tục trong ban lãnh đạo trong những năm gần đây, cũng như những vấn đề dai dẳng liên quan đến an toàn máy bay, điển hình là vụ bung chốt cửa trên máy bay Boeing 737 MAX của Alaska Airlines vào năm ngoái.
"Chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về những vấn đề này từ lâu nhưng dường như tiếng nói của chúng tôi chưa được lắng nghe một cách nghiêm túc," ông nói. Thêm vào đó, tình trạng quá tải tại các sân bay lớn đang đẩy các kiểm soát viên không lưu vào tình thế phải lên lịch cho máy bay "chính xác đến từng giây", khiến các phi công phải dựa vào kỹ năng và kinh nghiệm của mình để ngăn chặn tai nạn.
Mặc dù thẳng thắn chỉ ra những vấn đề của ngành hàng không nhưng ông Tajer hi vọng hành khách không nên quá sợ hãi khi bay. Ông cho biết, các phi công luôn đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu và họ được đào tạo bài bản để xử lý mọi tình huống, kể cả những tình huống bất ngờ nhất.
Dẫn chứng về hành động dũng cảm của các phi công Southwest Airlines tại sân bay Midway, Chicago, khi họ quyết định hủy bỏ việc hạ cánh vào phút chót khi phát hiện một máy bay khác vẫn còn trên đường băng. "Đó là kết quả của quá trình huấn luyện và trong trường hợp này, phi công đã cứu sống rất nhiều người", ông nói.
Những áp lực là không thể tránh khỏi, đặc biệt khi du lịch bùng nổ trở lại và hạ tầng cũng như nhân sự chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng đột biến số lượng chuyến bay, tuy nhiên, các phi công đều có chung một tinh thần, đó là cam kết đảm bảo an toàn cho hành khách.
Hiện nay, các phi công đang bị đẩy vào tình thế phải trở thành tuyến phòng thủ duy nhất, thay vì là tuyến phòng thủ cuối cùng trong hệ thống an toàn hàng không. Điều này cho thấy sự cấp thiết phải giải quyết các vấn đề hệ thống một cách toàn diện, từ việc tăng cường nhân sự và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đến việc xem xét lại các quy trình và thông lệ, đặc biệt là giảm bớt áp lực thương mại đang đè nặng lên vai phi công.
Ngành hàng không thế giới đang đứng trước ngã ba đường. Những thách thức hiện tại là không thể phủ nhận, nhưng chúng cũng là cơ hội để ngành nhìn lại, đánh giá và cải thiện. Sự an toàn của hàng triệu hành khách phụ thuộc vào khả năng của những người quản lý trong việc lắng nghe những tiếng nói từ buồng lái, giải quyết các vấn đề một cách trung thực và quyết liệt, đặt sự an toàn lên trên hết mọi ưu tiên khác. Chỉ có như vậy, bầu trời mới có thể thực sự là một nơi an toàn và đáng tin cậy cho tất cả mọi người.