An toàn

Con người dễ 'phát bệnh' nếu sống gần sân bay?

Việt Anh 04/07/2024 07:25

Một nghiên cứu mới cho thấy sống gần sân bay làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, sa sút trí tuệ hoặc huyết áp cao.

Nghiên cứu trên, được tổ chức phi chính phủ Transport & Environment (T&E) công bố ngày 26/6, cho rằng bụi mịn và các thành phần trong nhiên liệu máy bay phản lực là nguyên nhân của những vấn đề sức khỏe trên.

“Tổng cộng 280.000 trường hợp cao huyết áp, 330.000 ca tiểu đường và 18.000 trường hợp sa sút trí tuệ trong số 51,5 triệu người sống gần 32 sân bay bận rộn nhất châu Âu có thể liên quan đến các hạt siêu mịn (UFP)”, công ty tư vấn CE Delft - tác giả nghiên cứu - cho biết.

Phát hiện mới này dựa trên kết quả một nghiên cứu trước đó do Viện Y tế Công cộng Hà Lan thực hiện quanh Sân bay Amsterdam Schiphol, có mở rộng ra những sân bay lớn khác ở “lục địa già”.

08d36aea-d7d4-44f2-b12c-02fff650a750.png
Nghiên cứu mới cho thấy sống gần sân bay làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, sa sút trí tuệ hoặc huyết áp cao. Hình minh họa: Politico.

“3,8 triệu người sống trong phạm vi 5 km quanh các sân bay được nghiên cứu đề cập bị ảnh hưởng nhiều nhất, với nồng độ UFP trung bình ước tính là 5.000 hạt/cm3. Riêng tại các sân bay như Paris Charles de Gaulle (Pháp) và London Heathrow (Anh), nồng độ UFP trung bình lên tới 10.000 hạt/cm3”, nghiên cứu lưu ý thêm.

Mối nguy hiểm tiềm tàng

Khi đốt nhiên liệu, máy bay thưởng giải phóng các hạt vật chất (PM) có kích thước khác nhau, trong đó có UFP – loại hạt vật chất cực nhỏ với đường kính dưới 100 nm, nhỏ hơn tóc người khoảng 1.000 lần.

Daan van Seters, chuyên gia tại CE Delft, lưu ý rằng dựa trên một số nghiên cứu, UFP làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, thần kinh, tiểu đường, thậm chí cả các vấn đề với phụ nữ có thai. Kích cỡ siêu nhỏ khiến dạng ô nhiễm này đặc biệt nguy hiểm, vì chúng có thể xâm nhập sâu vào cơ thể người.

Cũng theo CE Delft, động cơ phản lực của máy bay tạo ra lượng UFP nhiều hơn bất kỳ loại động cơ nào khác. Cho nên, những người sống hoặc làm việc gần sân bay có nguy cơ tiếp xúc với UFP nhiều nhất, dù mức độ tiếp xúc chưa được thống kê cụ thể.

-1x-1 (1)
Riêng lượng UFP thải ra ở sân bay Paris Orly đã gây ảnh hưởng tới hơn 6 triệu người sống trong phạm vi 20 km gần đó. Ảnh: Bloomberg.

Paris, Amsterdam, Frankfurt, London và Madrid là 5 thành phố ở châu Âu có nồng độ UFP ước tính cao nhất do hoạt động hàng không. Trong đó, thủ đô Paris của Pháp đứng đầu danh sách, khi chỉ riêng lượng UFP thải ra ở sân bay Paris Orly đã gây ảnh hưởng tới hơn 6 triệu người sống trong phạm vi 20 km quanh sân bay.

Song theo T&E, đến nay vẫn chưa có quy định nào dành riêng cho việc quản lý và hạn chế UFP, bất chấp cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ cách đây 15 năm. Bên cạnh đó, theo ông van Seters, dạng ô nhiễm này còn ít được nghiên cứu và các bằng chứng về tác hại hại của nó chưa có tính thuyết phục.

Bài toán nhiên liệu

Theo chuyên gia Krisztina Toth từ T&E, việc thay đổi nhiên liệu máy bay phản lực được xem là một giải pháp để giảm lượng UFP thải ra từ loại phương tiện này. Điều đó dựa trên mối tương quan giữa chất lượng nhiên liệu máy bay với lượng khí thải UFP và ảnh hưởng của chúng tới sức khỏe được nghiên cứu CE Delft phát hiện.

Theo đó, lượng UFP thải ra từ các chuyến bay phụ thuộc rất nhiều vào thành phần nhiên liệu của máy bay. Nghiên cứu ước tính việc máy bay phản lực sử dụng nhiên liệu 100% được xử lý bằng hydrogen với hàm lượng lưu huỳnh và chất thơm rất thấp có thể giảm tới 70% lượng UFP thải ra, đồng nghĩa với việc giảm 70% tác động của UFP lên sức khỏe con người.

a320-neo-engine-aircraft-sas.jpg
Máy bay phản lực sử dụng nhiên liệu 100% được xử lý bằng hydrogen với hàm lượng lưu huỳnh và chất thơm rất thấp có thể giảm tới 70% lượng UFP thải ra. Ảnh: Flysas.

Tuy nhiên, chất thơm vẫn là thành phần rất quan trọng đối với hiệu suất của nhiên liệu máy bay, và đảm bảo các các phần phớt trên máy bay luôn khép kín. Ngay cả chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cũng sử dụng chất thơm có nguồn gốc sinh học.

Đó là lý do T&E khuyến nghị việc lập một tiêu chuẩn nhiên liệu máy bay phản lực mới “với việc giảm dần hàm lượng chất thơm và lưu huỳnh”. Tổ chức này cũng kêu gọi cấm mở rộng thêm sân bay và áp dụng giới hạn chuyến bay, dù những ý tưởng này có thể bị ngành hàng không phản đối kịch liệt.

Ngoài ra, một số sân bay lớn cũng nỗ lực cắt giảm việc hạn chế sử dụng nhiên liệu có nguy cơ phát thải lượng lớn UFP. “Chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu UFP từ năm 2016 và liên tục theo dõi mức độ của chúng tại sân bay kể từ năm 2023. Việc ngày càng nhiều dữ liệu có sẵn cho phép chúng tôi đưa ra những quyết định dựa trên các bằng chứng xác thực”, người phát ngôn của sân bay London Heathrow cho biết.

Theo Politico, Transport & Environment, New Scientist
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Con người dễ 'phát bệnh' nếu sống gần sân bay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO