Hoạt động thả diều gần sân bay có thể gây ra những rủi ro như diều đứt dây hoặc bị gió lớn cuốn vào máy bay, đe dọa an toàn bay, nhất là khi máy bay cất và hạ cánh.
Hành vi thả diều trong vùng an toàn không lưu do đó bị cấm, người thả diều gần sân bay có thể bị phạt nặng, từ 1 – 20 triệu đồng.
Thông tin từ đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam tại Cần Thơ, đơn vị này vừa có công văn gửi các ngành chức năng, chính quyền địa phương ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ đề nghị hỗ trợ tuyên truyền các quy định của pháp luật hàng không dân dụng đến người dân và không thả diều gần khu vực sân bay Cần Thơ.
Việc này nhằm đảm bảo an toàn bay khi thời gian gần đây, Cảng vụ hàng không miền Nam liên tục ghi nhận tình trạng thả diều gần sân bay Cần Thơ.
Theo Cảng hàng không miền Nam tại Cần Thơ, ngay từ khi bắt đầu mùa diều, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở người dân, các em nhỏ gần khu vực sân bay không được thả diều. Tuy nhiên đến nay tình trạng người dân thả diều gần sân bay vẫn diễn ra.
Cụ thể, từ sau tết Nguyên đán đến nay, đơn vị này thường xuyên ghi nhận tình trạng có người dân thả diều tại khu tái định cư Bình Thủy – nằm ngay trước cổng sân bay Cần Thơ.
Ngoài ra, khu vực gần Trạm y tế phường Trà Nóc, đường Nguyễn Chí Thanh cũng ghi nhận nhiều trường hợp người dân, trẻ em đến thả diều. Đối với những trường hợp này, Cảng vụ hàng không miền Nam tại Cần Thơ thực hiện nhắc nhở, tuyên truyền những quy định để đảm bảo an toàn bay.
Cảng vụ hàng không miền Nam tại Cần Thơ cho rằng nhu cầu thả diều của người dân là chính đáng, nhưng phải được tổ chức đúng nơi, đúng chỗ.
Còn tại khu vực sân bay Cần Thơ, cảng vụ cảnh báo những rủi ro khi diều đứt dây hay gió lớn cuốn vào vị trí đường bay sẽ uy hiếp đến các hoạt động an toàn khi máy bay cất, hạ cánh.
Ngoài việc người dân thả diều, ngành chức năng tại sân bay Cần Thơ còn ghi nhận các vật thể bay, đèn laser, thiết bị chiếu sáng với cường độ cao gây uy hiếp đến an ninh, an toàn cho hoạt động bay.
Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam tại Cần Thơ do đó đề nghị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các hành vi bị nghiêm cấm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng đến các hộ dân trong khu vực lân cận sân bay.
Trước đó, trong năm 2024, tình trạng thả diều gần sân bay Tân Sơn Nhất cũng liên tục được phản ánh, đe dọa an toàn hoạt động bay tại sân bay bận rộn nhất cả nước này.
Cụ thể, thời điểm đầu mùa hè, thường xuyên xuất hiện tình trạng trẻ em tự do thả diều trên đường Dương Quảng Hàm (phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM). Trong khi, khu vực này chỉ cách đường hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 2km.
Hay như tại đường Vườn Lài, phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM), nhiều cánh diều cũng bay cao trên bầu trời khi vào mùa thả diều.
Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2024, các chỉ số an toàn của ngành hàng không Việt Nam được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc đe dọa an ninh, an toàn hàng không dân dụng.
Đặc biệt, vẫn còn xảy ra các sự cố an toàn do hoạt động chiếu đèn laser, thả vật thể bay quanh khu vực cảng hàng không. Chỉ trong tháng 12/2024, Cục Hàng không Việt Nam nhận được 19 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report – MOR), trong đó, có 1 sự cố do chim va đập và 1 sự cố do vật thể bay không người lái xuất hiện trong khu bay.
Còn theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sân bay Tân Sơn Nhất có vùng an toàn không lưu rộng 5km, dài 15km. Nếu phát hiện diều, vật thể lạ hay các thiết bị bay như drone, flycam, UAV… gần luồng cất hạ cánh, kiểm soát viên không lưu sẽ phải báo ngay cho phi hành đoàn và lệnh cho máy bay bay chờ, thậm chí chuyển sang sân bay dự bị.
Cũng theo cơ quan này, trách nhiệm quản lý diều hay các phương tiện bay siêu nhẹ hiện nay được giao cho chính quyền địa phương, lực lượng quân đội, công an nơi có hoạt động bay. Bên cạnh đó, cảng vụ hàng không cũng có trách nhiệm kiểm soát tình trạng này.
Nghị định 162/2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng cũng quy định rõ về các hành vi lắp đặt, sử dụng các loại đèn, nguồn sáng, ký hiệu, tín hiệu hoặc các vật thể trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến việc tàu bay cất, hạ cánh, di chuyển tại cảng hàng không, sân bay hoặc việc nhận biết cảng hàng không, sân bay sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng đèn laze trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến việc tàu bay cất cánh, hạ cánh, di chuyển tại cảng hàng không, sân bay.
Riêng đối với các hành vi thả diều, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ cũng sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trật tự công cộng cũng quy định, người thả diều ở địa bàn giáp ranh sân bay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng. Đồng thời người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.