Hàng không Việt Nam ghi nhận số chuyến bay tăng mạnh trong giai đoạn cao điểm vận tải cuối năm. Tuy nhiên, chỉ số bay đúng giờ (OTP) tháng 11 chỉ đạt 68%, thấp hơn so với 3 tháng trước đó.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 11, các hãng hàng không nội địa đã thực hiện 19.697 chuyến bay, tăng 1.850 chuyến so với tháng trước.
Tuy nhiên, sự gia tăng về số lượng chuyến bay cũng kéo theo một thách thức lớn là tỷ lệ chuyến bay chậm giờ tăng vọt, gây ảnh hưởng đáng kể đến hành khách và lịch trình bay.
Cụ thể, trong số 19.697 chuyến bay có 6.321 chuyến bị chậm. Tỷ lệ bay đúng giờ chỉ đạt 68% (giảm 6,6% so với tháng trước). Đây là mức OTP rất thấp nếu so với trung bình năm 2023 là 84,5%.
Trước đó, tỷ lệ bay đúng giờ trung bình của toàn ngành trong tháng 9 là 76,6% và tháng 10 là 74,6%. Số liệu nối tiếp từng tháng cho thấy tỷ lệ chậm chuyến tăng dần trong dịp cao điểm cuối năm. Đây là giai đoạn ngành hàng không tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách.
Trong tháng 11, Vietjet Air khai thác 8.819 chuyến bay, đứng đầu hệ thống, có 5.225 chuyến đúng giờ. Số chuyến chậm giờ là 3.594, chiếm 40,8% (tăng 7,4% so với tháng 10).
Vietnam Airlines khai thác 7.950 chuyến bay, có 2.238 chuyến trễ, tăng 6,9% so với tháng trước. Tỷ lệ đúng giờ (OTP) của hãng bay này chỉ đạt 72% trong khi tháng 10 đạt 79%.
OTP của các hãng hàng không khác lần lượt: Bamboo Airways 86,8% (trên tổng 1.265 chuyến khai thác), VASCO 83,4% (khai thác 597 chuyến), Pacific Airlines 82,4% (tổng 648 chuyến khai thác) và Vietravel Airlines khai thác 418 chuyến, đúng giờ 73,9%.
Bên cạnh đó, so với tháng 10, điểm mới trong tháng 11 là số lượng chuyến bay của 6 hãng hàng không nội địa đều tăng. Trong đó, Vietjet Air dẫn đầu hệ thống với 854 chuyến bay tăng thêm, xếp sau là Vietnam Airlines và Pacific Airlines tăng thêm lần lượt là 467 và 282 chuyến.
Theo Cục Hàng không, hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh chậm giờ trong tháng 11 vẫn do máy bay về muộn và do các hãng hàng không.
Các nguyên nhân còn lại được nhà chức trách hàng không chỉ ra là thời tiết; quản lý, điều hành bay; trang thiết bị, dịch vụ tại sân bay và các lý do khác.
Tính chung 11 tháng đầu năm, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ là 73,7%, chậm giờ là 26,3% trên tổng 231.571 chuyến khai thác. Con số tỷ lệ chậm chuyến cụ thể của các hãng là: Vietjet Air 37% (trên tổng 100.110 chuyến khai thác), theo sau là Pacific Airlines với 25,3% (khai thác 4.728 chuyến).
Vietravel Airlines khai thác 5.722 chuyến, chậm giờ 19,1%; Vietnam Airlines có tỷ lệ chậm chuyến 18,2% (98.985 chuyến khai thác); Bamboo Airways khai thác 15.479 chuyến, chậm giờ 16,4% và VASCO 14,4% (trên tổng 6.547 chuyến khai thác).
Trước đó, Cục Hàng không cho biết bên cạnh nguyên nhân khách quan về thời tiết (sương mù, mưa, bão…) thì một trong những nguyên nhân gây tăng số lượng chuyến bay bị chậm của các hãng hàng không có tỷ lệ OTP thấp trong năm nay là vấn đề thiếu hụt đội tàu bay do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney.
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không cũng như ổn định giá vé máy bay nội địa, các hãng hàng không đều cố gắng tối ưu năng lực khai thác, tăng cường bổ sung tải cung ứng thông qua việc kéo dài thời gian khai thác trong ngày của tàu bay.
Đơn cử như Vietnam Airlines khai thác trung bình 13 giờ/tàu/ngày, Vietjet Air khai thác trung bình 14,5 giờ/ngày, Bamboo Airways khai thác trung bình 12,5 giờ/ngày; đều tăng hơn so với năm 2023, lần lượt là 22%, 11,5%, 20,1%, 21%. Điều này khiến công tác phục vụ mặt đất, đảm bảo khai thác bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, việc đảm bảo vật tư, khí tài cho công tác bảo dưỡng tàu bay cũng gặp khó khăn về nguồn cung, dẫn đến thời gian tàu bay phải dừng khai thác (AOG) tạm thời kéo dài, kéo theo các chuyến bay bị chậm dây chuyền.
Về mặt chủ quan, các hãng cũng chưa kịp thời điều chỉnh quy trình, nhân sự phục vụ hoạt động khai thác trong bối cảnh khai thác tàu bay với tần suất cao, cũng là nguyên nhân làm giảm chỉ số OTP.
Nhà chức trách hàng không cho biết việc chỉ số OTP giảm ở một số hãng hàng không có tác động đến chất lượng dịch vụ của ngành hàng không, gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không và ngay cả chính hãng hàng không.
Tuy nhiên với những kết quả ngành hàng không đã đạt được như vượt yêu cầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về năng lực đảm bảo an toàn (kết quả tổng thể đạt 78,14%) và nằm trong nhóm các quốc gia có chỉ số thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, có thể khẳng định chất lượng phục vụ hàng không Việt Nam đang được duy trì và nâng cao.
Chia sẻ với Opensky, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết Cục đã có văn bản chỉ đạo các hãng về việc việc nâng cao OTP, các hãng cũng đề ra các giải pháp liên quan đến vấn đề xếp lịch khai thác, quay đầu tàu bay, vấn đề đảm bảo kĩ thuật tàu bay,...
Đồng thời, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Cục đã yêu cầu các hãng đảm bảo hoạt động khai thác đúng giờ tuy nhiên không tránh khỏi việc chậm chuyến, đây là điều thực tiễn, khách quan trong hoạt động khai thác trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh đó, nhà chức trách hàng không sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không sân bay đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trong tháng 11, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 4,6 triệu khách, tăng 4,3% so với tháng 10. Trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu khách, tăng 32,7% so với tháng trước và khách nội địa đạt 2,6 triệu khách, tăng 4,6% so với tháng 10.
Bên cạnh đó, số lượng máy bay đăng ký quốc tịch Việt Nam tính đến ngày 15/11 là 216 máy bay, giảm 16 máy bay so với năm 2023 và giảm 31 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.