tạp chí bầu trời

Chính phủ vào cuộc quyết liệt, Quốc hội giám sát chặt chẽ

Theo PGS.TS. NGUYỄN HỒNG THÁI, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ mang lại hiệu quả lớn cho sự phát triển của đất nước. Dự án có bảo đảm tiến độ hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố; trong đó đòi hỏi Chính phủ phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt; đồng thời có sự giám sát chặt chẽ từ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Hai lưu ý về giải phóng mặt bằng

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Dự án) có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Triển khai Dự án này chắc chắn mang lại hiệu quả rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt với đồng bằng sông Cửu Long (đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau) - nơi hạ tầng giao thông chưa phát triển. Nghị quyết cùng một số cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện Dự án (quy định tại Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội - PV) cho thấy Quốc hội ngày càng thể hiện rõ vai trò đồng hành, hỗ trợ Chính phủ, bởi có những phần việc vượt quá thẩm quyền của Chính phủ. Đây là tiền đề quan trọng để tin tưởng Dự án sẽ được triển khai “đúng mục tiêu, minh bạch và hiệu quả” như Nghị quyết đặt ra.

- Theo Nghị quyết, nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.480ha và sẽ đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng lâu nay là vấn đề rất nan giải với các dự án hạ tầng. Vậy cách nào để tháo gỡ, thưa ông?

- Đúng là giải phóng mặt bằng lâu nay là trở ngại lớn, làm chậm tiến độ nhiều dự án hạ tầng giao thông. Với Dự án này, theo tôi, vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng, thể hiện ở trách nhiệm cùng sự đồng hành của các bộ, ngành và địa phương để giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Qua nghiên cứu thực tế các dự án hạ tầng giao thông, chúng tôi nhận thấy, để giảm thiểu chi phí và đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nguyên tắc chung là nên giao quyền cho địa phương, trong đó cần lưu ý hai vấn đề.

Nguồn ITN
Nguồn: ITN

Thứ nhất, cần căn cứ trên quy hoạch phát triển của địa phương. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch phát triển chung của tỉnh, địa phương cần xây dựng khu tái định cư chung cho các lĩnh vực chứ không riêng gì giao thông để bảo đảm tính đồng bộ, tránh tình trạng mỗi khi triển khai dự án nào thì địa phương mới làm khu tái định cư riêng rẽ như hiện nay.

Thứ hai, cần căn cứ vào công trình của Nhà nước có liên quan đến giải phóng mặt bằng của địa phương. Khi đó, Nhà nước cần trả trước cho địa phương một khoản tiền để giải phóng mặt bằng, chỉ cần đưa ra thời điểm cụ thể vào ngày này tháng này cần có mặt bằng sạch và địa phương phải bảo đảm thực hiện đúng, nếu không sẽ có chế tài xử lý nghiêm. Số tiền này có thể độc lập với Dự án.

Giám sát chặt việc thực hiện cơ chế đặc thù

- Để triển khai Dự án, Quốc hội đã ban hành một số cơ chế đặc thù, như cho phép chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 hay cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Theo ông, cần lưu ý gì khi triển khai cơ chế đặc thù này?

- Việc Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù này và gói gọn thời gian áp dụng trong 2 năm là rất cần thiết nhằm gỡ bỏ các rào cản, vướng mắc có thể ảnh hưởng đến tiến độ. Riêng với cơ chế cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng cần có cơ chế giám sát chặt, để bảo đảm thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích và đủ khối lượng.

­­­ - Theo ông, đâu là mấu chốt để Dự án có thể triển khai đúng tiến độ đề ra?

- Dự án có bảo đảm tiến độ hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, trong đó có công tác lựa chọn nhà thầu, giải ngân, giải phóng mặt bằng… Điều này đòi hỏi Chính phủ phải vào cuộc khẩn trương, quyết liệt; đồng thời có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ các cơ quan của Quốc hội. Tôi cho rằng, mấu chốt vấn đề vẫn là phải làm rõ trách nhiệm và chế tài đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan. Chỉ như vậy mới mong Dự án bảo đảm mục tiêu đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau với tổng chiều dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng, còn lại phân bổ trong giai đoạn 2026 - 2030. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Theo https://daibieunhandan.vn/chinh-phu-vao-cuoc-quyet-liet-quoc-hoi-giam-sat-chat-che-j82rki3vxe-79236?fbclid=IwAR1AmavyT-Z10f9io-Es6ZRPUDnga4B1_YXQs1lQNKTWXprR1ls90RtXuP0

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận