Khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang đẩy nhanh tiến độ "về đích" đúng hoặc trước thời hạn, các tuyến đường cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch vì vướng giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã khởi công từ đầu năm 2021 và hiện hoàn thành xây dựng 3/4 dự án thành phần, chỉ còn dự án thành phần 4 đang triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Trên đại công trường dự án, có hơn 6.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân và 2.700 máy móc, thiết bị tham gia thi công đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm của trọng điểm quốc gia này.
Cụ thể, dự án thành phần 1 bao gồm trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước đang được xây dựng đúng tiến độ, gồm các hạng mục như cảng vụ hàng không, hải quan, quản lý xuất nhập cảnh và công an địa phương. Tuy nhiên, trụ sở cơ quan kiểm dịch vẫn đang gặp một số vướng mắc cần giải quyết.
Ở dự án thành phần 2 do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư, công trình đài kiểm soát không lưu đang vượt tiến độ 2 tháng. Hiện, tháp không lưu đã hoàn thành phần thô và đang trong giai đoạn hoàn thiện, bao gồm công tác gia công, sơn thép mái và lắp đặt hệ thống cơ điện.
Dự án thành phần 3 do ACV làm chủ đầu tư có 2 hạng mục quan trọng là nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh đang được thi công đúng tiến độ mặc dù được đánh giá là phức tạp nhất. ACV đặt mục tiêu hoàn thành và khai thác kỹ thuật đường cất hạ cánh trước ngày 30/4/2025.
Riêng dự án thành phần 4 gồm 17 hạng mục công trình dịch vụ mặt đất đang có tiến độ chậm hơn. Bộ GTVT đã phê duyệt 8 hạng mục ưu tiên, trong đó Cục Hàng không Việt Nam đang tiến hành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư cho 7 hạng mục.
Trong khi chủ đầu tư sân bay Long Thành ACV và các đơn vị nhà thầu, cung cấp hậu cần đang đẩy nhanh tiến độ để về đích trước thời hạn, các tuyến cao tốc và đường kết nối với sân bay Long Thành, đặc biệt là dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh Đồng Nai lại đang có dấu hiệu ì ạch do vướng công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 54 km với 3 dự án thành phần, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km. Hiện, so với dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tiến độ thi công dự án thành phần 1 và 2 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai đang rất chậm.
Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) cho biết ở dự án thành phần 1 (qua TP Biên Hòa và huyện Long Thành), trong tổng số 137 ha cần giải phóng, mới chỉ bàn giao được gần 88 ha. Còn dự án thành phần 2 (qua huyện Long Thành) đã bàn giao gần 158 ha (đạt 87%), nhưng diện tích có thể thi công chỉ hơn 104 ha do vướng mắc như người dân không cho thi công hoặc chưa di dời hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài vấn đề giải phóng mặt bằng, dự án còn đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu đất đắp, ước tính khoảng 4 triệu m3. Ban Quản lý dự án 85 đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép khai thác khu vực xã Phước Bình (huyện Long Thành) và các nguồn đất khác để đảm bảo tiến độ dự án.
Đồng thời ban này cũng kiến nghị tỉnh đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trong tháng 11, đặc biệt ưu tiên các vị trí cần thiết để nhà thầu có thể thi công đồng bộ.
Trong bối cảnh tuyến đường sắt nhẹ TP.HCM - Thủ Thiêm vẫn đang chờ triển khai, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu giao thông khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Theo thống kê, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng trung bình 10,8%/năm. Đặc biệt, đoạn TP.HCM - Long Thành được dự báo có lưu lượng vượt 25% công suất hiện tại vào năm 2025. Thực tế cho thấy dù sân bay Long Thành chưa hoạt động, tuyến đường này đã thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là trong các dịp lễ Tết.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá việc mở rộng cao tốc là nhiệm vụ cấp bách để đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khi sân bay Long Thành dự kiến khai thác vào năm 2026.
Theo phương án được đề xuất là mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành (dài 22 km) lên 8-10 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 14.955 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được đề xuất làm chủ đầu tư dự án. Giữa năm nay, VEC đã ký kết hợp đồng khung với Vietcombank về việc thu xếp cấp tín dụng cho dự án.
Theo đánh giá của chuyên gia, thời gian chuẩn bị đầu tư và thiết kế kỹ thuật cho một tuyến cao tốc thường kéo dài khoảng 1 năm. Nếu thủ tục được rút ngắn, dự án có thể khởi công vào năm 2025 và hoàn thành sau 2 năm. Tiến độ này chậm hơn so với thời điểm khai thác sân bay Long Thành, nhưng việc triển khai dự án vẫn cần được đẩy nhanh.
Theo ACV, khi sân bay đi vào hoạt động, khoảng 80% lưu lượng hành khách quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về Long Thành với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 25 triệu hành khách/năm. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên các tuyến đường kết nối, đặc biệt là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Trong khi đó, việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm kết nối với sân bay hiện đang khá chậm, có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành đồng bộ khi sân bay đi vào hoạt động.
Nút giao An Phú tại điểm đầu cao tốc đang được thi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Hội đồng nhân dân TP.HCM cũng đã thông qua chủ trương mở rộng đường dẫn vào cao tốc từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2, nâng từ 4 làn lên 8 làn xe với tổng mức đầu tư 938,9 tỷ đồng.
Dự án này dự kiến khởi công vào quý III/2025 và hoàn thành vào quý IV/2026.
Việc kết nối từ các tỉnh miền Tây đến sân bay Long Thành sẽ được thực hiện chủ yếu qua cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo dự kiến một số đoạn của tuyến đường này được đưa vào khai thác vào cuối năm nay.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành không chỉ tạo thêm hướng đi mới đến sân bay Long Thành mà còn giúp giảm tải cho cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thay thế cho việc phải đi xuyên qua nội đô TP.HCM như hiện nay.
Một dự án quan trọng khác là đường vành đai 4 TP.HCM với chiều dài 207 km, tổng vốn đầu tư khoảng 136.000 tỷ đồng đang được 5 địa phương gồm TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Long An chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội vào đầu năm 2025.
Riêng đoạn qua Đồng Nai dài 45,54 km với tổng mức đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng sẽ chạy song song với quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khi qua sân bay.
Vành đai 4 sẽ tạo thêm hướng kết nối mới từ Bình Dương đến sân bay Long Thành, bên cạnh các tuyến vành đai 3 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Long Thành và cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Tuyến đường này sẽ phân luồng giao thông liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho xe từ các tỉnh Tây Nguyên tiếp cận sân bay Long Thành.
Tại Đồng Nai, để tránh ùn tắc ở khu vực phía nam sân bay Long Thành, tỉnh này đã đề xuất đầu tư dự án tuyến đường tỉnh 769E nối trực tiếp từ sân bay đến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tạo thêm tuyến kết nối mới ở phía bắc sân bay.
Cụ thể, ngày 30/10, Hội đồng thẩm định tỉnh Đồng Nai thông qua chủ trương đầu tư đường tỉnh 769E giai đoạn 1. Dự án có điểm đầu giáp ranh với cảng hàng không quốc tế Long Thành, điểm cuối tuyến giao với đường tỉnh 770B.
Theo quy mô đầu tư hoàn thiện đường tỉnh 769E có tổng chiều dài tuyến hơn 8 km. Dự án được chia làm 2 đoạn để thực hiện đầu tư, trong đó, đoạn 1 từ ranh giới sân bay Long Thành đến depot đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có quy mô mặt cắt ngang rộng 115 m.
Đoạn 2 từ depot đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến đường tỉnh 770B, quy mô mặt cắt ngang rộng 95 m.
Theo phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 của dự án sẽ đầu tư xây dựng trước 2 đường song hành 2 bên, mỗi bên rộng 15 m. Cùng với đó, đầu tư xây dựng 4 cầu bê tông cốt thép trên tuyến gồm các cầu Suối Đục, Quân Y 1,2 và Suối Sâu.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án là hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là gần 600 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024-2029.
Cùng với các tuyến T1, T2, tuyến đường tỉnh 769E sẽ kết nối trực tiếp với khu vực phía bắc sân bay Long Thành đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải góp phần phát triển kinh tế, xã hội của các huyện có tuyến đường đi qua nói riêng và của tỉnh nói chung.
Đồng thời, tuyến đường chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông, tránh tình trạng các phương tiện tập trung về khu vực phía nam sân bay Long Thành gây quá tải cho các tuyến giao thông khu vực phía như các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu cũng như quốc lộ 51 và tuyến T1, T2 khi sân bay này được đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2026.