Quốc tế

CEO mới của Boeing là người thế nào?

Hoàng Anh 03/08/2024 15:34

Người quen mô tả Ortberg trung thực, biết lắng nghe và sẵn sàng hành động quyết đoán.

kelly-ortberg.jpeg

Ngày 31/7, Boeing bổ nhiệm ông Kelly Ortberg làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mới. Vị lãnh đạo được mô tả là "chiến binh kỳ cựu ngành hàng không vũ trụ" sẽ nhận nhiệm vụ vực dậy một nhà sản xuất máy bay gặp nhiều vấn đề pháp lý, đang làm ăn bết bát với quý gần nhất thua lỗ hơn 1,4 tỷ USD.

Với nền tảng kỹ sư cơ khí, ông Ortberg được kỳ vọng dẫn dắt Boeing giải quyết các vấn đề kỹ thuật, đồng thời cho ra mắt mẫu máy bay mới, điều mà người tiền nhiệm Dave Calhoun không làm được.

Boeing tìm về cội nguồn cơ khí

Năm nay 64 tuổi, Ortberg tích lũy hơn 3 thập kỷ kinh nghiệm trong ngành hàng không vũ trụ. Ông có bằng cử nhân kỹ thuật cơ khí của Đại học Iowa (Mỹ).

Ortberg bắt đầu sự nghiệp với vị trí kỹ sư tại nhà sản xuất chất bán dẫn Texas Instruments, sau đó chuyển sang làm quản lý chương trình cho nhà cung cấp thiết bị điện tử máy bay Rockwell Collins.

Ông giữ nhiều vai trò lãnh đạo quan trọng tại công ty trước khi trở thành CEO vào năm 2013.

Trong thời gian làm việc ở Rockwell Collins, Ortberg giám sát các chương trình phát triển cho Airbus A350 XWB, Boeing 787 và Bombardier CSeries.

Ortberg cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội công nghiệp hàng không vũ trụ (AIA).

Ông Kelly Ortberg thời còn làm CEO ở Rockwell Collins. Ảnh: Getty.
Kelly Ortberg thời còn làm CEO ở Rockwell Collins. Ảnh: Getty.

Ortberg được cho là đánh bại bà Stephanie Pope - CEO của Công ty máy bay thương mại Boeing và ông Pat Shanahan - CEO của nhà thầu Spirit Aerosystems để được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc tập đoàn Boeing.

Kelly Ortberg đáp ứng cả 2 tiêu chí chọn CEO Boeing: Đến từ công ty không có mối quan hệ gắn bó lâu dài với Boeing và là người có nền tảng kỹ thuật.

Những ứng viên khác chỉ đáp ứng 1/2 tiêu chí. Shanahan là người cũ của tập đoàn, hiện lãnh đạo nhà thầu quan trọng của Boeing, trong khi Pope là dân tài chính.

Ortberg dự định làm việc tại Seattle, nơi sản xuất máy bay 737 MAX và các máy bay thân rộng 777 hay 787, chứ không ngồi ở trụ sở chính tại Arlington, bang Virginia.

Động thái thể hiện Ortberg quan tâm đến các vấn đề nhức nhối nhất nằm ở nhà máy, đồng thời thể hiện sự công nhận đối với nguồn gốc kỹ thuật của Boeing.

tín nhiệm cao

Kelly Ortberg phải đối mặt với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi ông gác lại những ngày nghỉ hưu để bắt đầu công việc vào tuần tới. Đó là công việc khôi phục lại sức mạnh của tập đoàn 108 năm tuổi đang chảy máu tiền mặt và bị bao vây bởi các vấn đề dự kiến ​​mất nhiều năm để khắc phục.

Vị lãnh đạo sinh năm 1960 cần củng cố mối quan hệ trong ngành, mối quan hệ với nhân viên và với các hãng hàng không đối tác.

Họ đồng thời phải giành lại lòng tin của cơ quan quản lý và nhà lập pháp sau vụ bung tấm bịt cửa ngày 5/1, vụ việc biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Dự định ban đầu là để Dave Calhoun điều hành hết năm. Việc Boeing đột ngột thay đổi kế hoạch, cho Calhoun nghỉ hưu sớm hơn chứng minh tình hình của tập đoàn đang rất nghiêm trọng. Nhu cầu thay đổi lãnh đạo, mang về một linh hồn mới là cấp thiết.

Đang xuất hiện những câu hỏi rằng liệu Ortberg có thể thay đổi triệt để và có cam kết gắn bó lâu dài hay không?

Những người trong ngành trước đây hy vọng Boeing thuê một người trẻ hơn, bởi họ tin sẽ mất nhiều năm để tập đoàn xoay chuyển tình thế bi đát hiện nay.

“Đây không đơn thuần là quá trình sửa chữa trong 5 năm”, Bill George, cựu CEO của Medtronic và là thành viên điều hành Trường Kinh doanh Harvard, cho biết. "Liệu ông ấy có sẵn sàng dành 10 năm để vực dậy Boeing?".

Boeing cuối cùng thuê Ortberg đã 64 tuổi và phải miễn độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65 giống như đã làm với CEO Dave Calhoun.

74615585007-getty-images-609573670.jpg
Người quen mô tả Ortberg trung thực, biết lắng nghe và sẵn sàng hành động quyết đoán. Ảnh: Getty.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia đánh giá cao vị tân CEO và coi nhẹ vấn đề tuổi tác. Nhà phân tích Kevin Michaels của AeroDynamic Advisory cho biết hiện tại Ortberg vẫn trẻ trung và tràn đầy năng lượng.

Michaels nói: "Tất cả chúng tôi đều nghĩ ông ấy nghỉ hưu năm 2021 là quá sớm. Tuổi tác không phải rào cản cho công việc này".

Người quen mô tả Ortberg trung thực, biết lắng nghe và sẵn sàng hành động quyết đoán. Nhà phân tích Sheila Kahyaoglu của Jefferies cho hay trong thời gian lãnh đạo tại Collins, ông được cấp dưới cực kỳ yêu mến.

Còn trong công việc, Ortberg là một nhà đàm phán cứng rắn khi làm việc với khách hàng và nhà cung cấp.

Nhà phân tích Ken Herbert của RBC Capital Markets ca ngợi Boeing có một lựa chọn mạnh mẽ và an toàn. “Chúng ta có thể đánh giá tuổi của Ortberg cao hơn mức một số nhà đầu tư mong muốn. Tuy nhiên, chúng tôi tin danh tiếng của Ortberg tại Rockwell Collins và United Technologies/RTX rất tốt".

Ortberg cũng có kinh nghiệm trong việc sáp nhập, thâu tóm. Điều đó có thể giúp ích cho Boeing.

Năm 2018, sau 5 năm lãnh đạo Rockwell Collins, Ortberg chỉ đạo quá trình tích hợp của công ty với United Technologies và RTX cho đến khi ông nghỉ hưu năm 2021. Ông cũng chỉ đạo thương vụ Collins mua BE Aerospace vào năm 2016 với giá hơn 8 tỷ USD.

Boeing cũng đang nỗ lực thâu tóm, sáp nhập lại Spirit AeroSystems để kiểm soát chặt nhà thầu quan trọng này.

Những vấn đề cấp bách

Vấn đề cấp bách nhất của Boeing là sự sụt giảm trong sản xuất và giao hàng. Sau nửa đầu năm, Boeing chỉ giao được 175 máy bay, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều này khiến khách hàng phải tranh giành máy bay vì nhu cầu đi lại tăng cao, khiến họ mất doanh thu và rơi vào tình trạng thừa nhân viên.

Southwest Airlines, hãng hàng không khai thác toàn bộ máy bay là Boeing, tuyển dụng nhân sự với dự đoán sẽ nhận được 85 máy bay trong năm nay, nhưng hiện tại họ chỉ mong nhận 20 máy bay.

Boeing cũng cần tăng sản lượng để làm chậm quá trình đốt tiền mặt, dự kiến ​​kéo dài ít nhất đến hết quý III. Khoản sử dụng tiền nhàn rỗi của Boeing trong quý II là 4,33 tỷ USD.

shutterstock_1516984382_11zon.jpg
Tân CEO chọn làm việc gần các nhà máy Boeing, thay vì làm ở đại bản doanh. Ảnh: Shutterstock.

Đại diện S&P 500 cho biết họ có thể hạ xếp hạng tín dụng của tập đoàn xuống mức “rác” nếu Boeing không đạt tiến triển hướng tới mức sản xuất bình thường. Bị hạ tín nhiệm sẽ làm tăng chi phí khi tập đoàn vay tiền.

Ortberg cũng cần gặp gia đình của 346 người đã thiệt mạng trong hai vụ tai nạn máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019.

Boeing đã nhất trí với thỏa thuận nhận tội âm mưu gian lận hình sự. Thẩm phán Mỹ sẽ quyết định có chấp nhận thỏa thuận này hay không. Nếu được thông qua, hội đồng quản trị Boeing sẽ lần đầu tiên gặp gỡ gia đình nạn nhân.

Ở độ tuổi của Ortberg, nhà phân tích Robert Spingarn tại Melius Research nhận định ưu tiên của ông là ổn định hoạt động, tài chính và cải thiện văn hóa công ty.

Sau khi tìm lại vị thế vững chắc, ban lãnh đạo Boeing cần tập trung vào việc tung ra một mẫu máy bay phản lực thương mại mới để bổ sung vào dòng sản phẩm cũ của mình. 737 MAX dựa trên thiết kế khung thân đã có từ năm 1968.

Trên lý thuyết, Boeing đã bổ nhiệm người phù hợp nhất cho vị trí thuyền trưởng chỉ đạo con tàu Boeing vượt sóng dữ. Thật khó tưởng tượng Boeing sẽ đi đâu về đâu nếu họ tiếp tục thất bại với Ortberg.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
CEO mới của Boeing là người thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO