tạp chí bầu trời

Cần Thơ: Ra mắt Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 28-3 tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức ra mắt Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), gọi tắt là Văn phòng điều phối (VPĐP).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Lễ ra mắt VPĐP

Được thành lập theo Quyết định số 401/QĐ-BNN ngày 25-3-2022, nhiệm vụ của VPĐP là giúp Ban chỉ đạo (BCĐ) Phát triển nông nghiệp - nông thôn (NG-NT) vùng ĐBSCL và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT – Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL của Chính phủ, trong việc tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ của BCĐ phát triển NN-NT vùng ĐBSCL và tham mưu cho BCĐ phối hợp với địa phương điều phối các nội dung, chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN-PTNT.

Tham mưu, đề xuất về cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình có tính chất liên kết vùng và phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời đôn đốc hoạt động liên kết vùng và các tiểu vùng trong sản xuất để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

Lãnh đạo VPĐP có Chánh Văn phòng, Phó Chánh VP, do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bổ nhiệm hoặc giao kiêm nhiệm. Nhân sự VP là công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn hoặc công chức, viên chức được điều động, biệt phái từ cục, tổng cục, đơn vị chuyên ngành của Bộ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Các đại biểu dự Lễ ra mắt

Trụ sở VPĐP đặt tại số 9B, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Đây sẽ là mái nhà chung, là Hội quán Đồng bằng, dành cho những người có tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn, đến trao đổi, hiến kế để phát triển đồng bằng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chia sẻ: Thủ tướng CP đã phê duyệt chiến lược Phát triển NN-NT bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lần đầu tiên ngành NN-NT có bản chiến lược dài hạn để giải quyết những vấn đề nội tại, nhằm thực hiện chuyển dịch từ tư duy sản xuất NN sang tư duy kinh tế NN.

Vùng ĐBSCL đang là 13 địa giới hành chính (13 tỉnh, thành) chưa tích hợp thành một không gian phát triển của kinh tế nông nghiệp.Việc thành lập VPĐP sẽ tạo không gian mở để kết nối với nhà khoa học và những người có tâm huyết với ĐBSCL, đến đây cùng trao đổi, hình thành ý tưởng, sáng kiến, kế hoạch hành động: “ĐBSCL còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, nêu những kỳ vọng với BCĐ Phát triển NN-NT vùng ĐBSCL

Việc điều phối không thể thành công nếu chỉ ngồi ở trung ương (TW), trong phòng lập kế hoạch. Sự chỉ đạo tại 13 tỉnh, thành vốn bị cắt khúc từ TW đến Bộ NN-PTNT, đến cơ sở. Bây giờ, với VPĐP các sự kiện tại 13 tỉnh, thành sẽ được kết nối với TW, Bộ NN-PTNT. Không gian mở này nhằm thực hiện kết nối với không gian của 13 tỉnh, thành cùng những con người tâm huyết với ĐBSCL.

Chúng ta cùng hội tụ về đây tìm kiếm những điều mới mẻ, kết tinh thành hành động, trở thành một hệ sinh thái, là nguồn lực trí tuệ, trong đó mọi ý kiến đóng góp đều cần thiết, hỗ trợ và gắn kết với nhau để hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trước mắt Bộ sẽ thành lập Ban vận động ngành hàng lúa gạo để định hình chiến lược cho ngành hàng này.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dịp này, Bộ NN-PTNT công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển NN-NT vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 – 2025, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm Trưởng Ban. Nhiệm vụ của BCĐ là nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các cơ chế, chính sách thuộc các lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT đáp ứng yêu cầu phát triển ĐBSCL và các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển vùng theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Cung cấp thông tin và tham mưu, đề xuất các chương trình, dự án liên quan tới chủ trương phát triển ngành NN&PTNT. Tác động của các cơ chế, chính sách của ngành NN&PTNT đối với phát triển vùng ĐBSCL.

Ra mắt tập thể cán bộ thường trực VPĐP

Phát biểu tại buổi Lễ, các đại biểu bày tỏ phấn khởi khi VPĐP thành lập và cam kết sẽ nỗ lực cộng tác để VP hoạt động hiệu quả, có giải pháp để nông sản ĐBSCL không lệ thuộc vào một thị trường nào và khắc phục tình trạng kêu gọi xã hội “giải cứu” khi hàng tồn đọng,… Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó CT/UBND TP. Cần Thơ, kỳ vọng BCĐ Phát triển NN-NT vùng ĐBSCL thực hiện định hướng về sản xuất để không còn tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, không có quy hoạch trong sản xuất cây trồng, vật nuôi.

Định hướng để ĐBSCL có sản phẩm đặc trưng mang tính cạnh tranh cao. Hỗ trợ hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL được thành lập tại TP. Cần Thơ và tham mưu cho Thủ tướng CP quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho đồng bằng để thực hiện được yêu cầu phát triển thuận thiên - thích ứng với BĐKH mà Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra.

     Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận