Ông Dương Tấn Hiển – Phó CT Thường trực UBND TP. Cần Thơ, phát biểu tại HN
Thời gian qua du lịch ĐBSCL có bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch của vùng đến du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Theo kết quả thống kê: Năm 2019, khu vực đón trên 47 triệu lượt khách.
Kế hoạch đón trên 50 triệu lượt khách trong năm 2020 nhưng đầu năm, do đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, ngành du lịch là một trong các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đơn cử: Cụm phía Tây gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, năm 2019 tổng lượt khách đạt hơn 33 triệu lượt, chiếm 73% tổng lượt khách du lịch của ĐBSCL; doanh thu đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2021, lượng khách cụm phía Tây chỉ đạt 11.700 ngàn lượt, doanh thu chỉ còn dưới 10 nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo 13 Sở VHTTDL Đồng bằng sông Cửu Long ký biên bản thoả thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch
Còn tại Cụm phía Đông, 1.400 cơ sở kinh doanh du lịch phải tạm dừng hoạt động; 6.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch bị mất việc hoặc giảm thu nhập. Đơn cử như tỉnh Tiền Giang, tổng lượng khách du lịch giảm 87%, doanh thu chỉ đạt 250 tỷ đồng, giảm 78%. Hội nghị tổ chức nhằm trao đổi, tìm giải pháp tăng cường liên kết, hợp tác, xây dựng sản phẩm dịch vụ đa dạng, chất lượng, kết nối tour, tuyến giữa TP. Cần Thơ, các tỉnh trong vùng và các địa phương du lịch trọng điểm trong cả nước.
Nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn, trên tinh thần biến thách thức thành cơ hội, như Cty cổ phần Vinpearl Chi nhánh Phú Quốc với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng, chất lượng cao, kết hợp giữa tự nhiên và hiện đại, trong đó có mô hình “Phú Quốc - thành phố không ngủ”, kết hợp tập trung đào tạo nguồn nhân lực, Cty đã thu hút rất lớn du khách đến trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua và hiện vẫn tiếp tục tiếp đón đông đảo du khách trong và ngoài nước...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường thống nhất với những đóng góp của các đại biểu
Đại diện Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch (VHTTDL) nhiều tỉnh, thành đã nêu chiến lược, kế hoạch nhằm phục hồi du lịch. Trong đó, đối với Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển – Phó CT Thường trực UBND TP. Cần Thơ, cho biết: “TP đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Tham gia các Hội chợ du lịch trực tuyến Busan, Ngày hội du lịch TP. HCM; tổ chức Hội chợ Du lịch trực tuyến Cần Thơ để các doanh nghiệp (DN) quảng bá các sản phẩm du lịch.
Ban hành kế hoạch tổ chức Lễ Khánh thành Đền Hùng vào ngày 6-4; đăng cai tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022 và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX từ ngày 6-4 đến ngày 11-4; trong đó có nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho các DN quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch; kết nối các DN, địa phương giới thiệu, chào bán các sản phẩm, chương trình du lịch mới nhằm góp phần phục hồi và kích cầu du lịch”.
Một góc trong Khu du lịch “Căn nhà màu tím“– một trong những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách tại TP. Cần Thơ
Thống nhất với những đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, ông Trần Việt Phường – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: Để sớm phục hồi và phát triển ngành du lịch, các ngành, các cấp, các địa phương, các DN cần chủ động triển khai ngay những giải pháp linh hoạt, thích ứng. Trước hết là phải đảm bảo tối đa an toàn cho du khách khi đến trải nghiệm, xây dựng phương án xử lý thích hợp khi có F0.
Tập trung kích cầu phát triển du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá. Phát triển sản phẩm du lịch và nguồn nhân lực du lịch phù hợp yêu cầu tình hình mới. Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc biệt cho Ngành du lịch như: Kéo dài thời gian miễn giảm thuế đến cuối năm 2023, giảm giá điện, tiền thuê đất, quan tâm chính sách an sinh xã hội cho người lao động ngành du lịch.
Dịp này, lãnh đạo 13 Sở VHTTDL vùng ĐBSCL đã ký biên bản thoả thuận liên kết, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch ĐBSCL trong trạng thái bình thường mới, với các thoả thuận xoay quanh việc liên kết trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, xúc tiến, phát triển nguồn nhân lực và kết nối các địa phương tổ chức các sự kiện tái khởi động du lịch (DL) nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn, linh hoạt.
Trần Tú – Đan Phượng