tạp chí bầu trời

Cần Thơ: Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững

Ngày 25-2, tại TP. Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị (HN) trực tuyến và trực tiếp Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022. Tham dự có đại diện các tỉnh - thành có vùng nuôi chủ lực ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo tại  Hội nghị

Với những nỗ lực của Chính phủ, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, năm 2021 ngành hàng cá tra nước ta đã vượt qua đại dịch Covid-19, duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng. Năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản cả năm đạt 4,81 triệu tấn, tăng 1,1 % so với năm 2020, trong đó sản lượng cá tra đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, giá cá tra thương phẩm đang ở mức 29.500 - 30.000 đ/kg, tăng 4.000-5.000 đ/kg so với các tháng cuối năm 2021. Giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng cá tra.

Năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân được thực hiện và dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng thủy sản gia tăng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất phục hồi và tăng trưởng.

Tuy nhiên tăng trưởng nóng sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tình hình thời tiết, khí hậu có thể tiếp tục diễn biến bất thường: hạn hán xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất. Vì vậy cần có những giải pháp để khắc phục khó khăn, phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.

Các đại biểu dự HN

Năm 2022, ngành cá tra dự kiến sản xuất: Sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Phát biểu chỉ đạo tại HN, ngoài việc ghi nhận những kiến nghị của đại diện Sở NN - PTNT các tỉnh, thành và doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý: “Hiện nay giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng cá tra. Do đó, để ngành hàng cá tra đạt kết quả tốt trong năm 2022, Tổng Cục Thuỷ sản và các cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đánh giá đúng thực trạng, kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn để phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả bền vững.”

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Trần Đình Luân nêu những biện pháp trọng tâm để phát triển ngành hàng, như: Tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm; chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệp quả, hạ giá thành sản xuất.  Các địa phương: Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng,… đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Các tỉnh ĐBSCL tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp. Tiếp tục hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL

Vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.

Thực hiện tốt việc hướng dẫn cơ sở nuôi sử dụng hóa chất, kháng sinh phù hợp trong nuôi cá tra và kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm: “Đặc biệt, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh; đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu để sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, theo từng phân khúc thị trường. Đẩy mạnh hoạt động giao dịch điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19.

Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin. Tìm kiếm thị trưởng mới, chuyển hướng thị trường xuất khẩu thay vì tập trung vào một số thị trường chính. Quan tâm xây dựng thương hiệu cho một số dòng sản phẩm cá tra. Tiếp tục xử lý các rào cản kỹ thuật và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại, phát triển thị trường.” – ông Luân nhấn mạnh.

 Trần Tú – Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận