tạp chí bầu trời

Cần Thơ: Để các Doanh nghiệp phát triển bền vững

Ngày 5-5, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TP. Cần Thơ tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) dựa trên công nghệ, sáng chế và tài sản trí tuệ”.

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM, chia sẻ tại HT.

Đến dự có ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; Ông Trần Giang Khuê - Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN, tại TP. Hồ Chí Minh. Đại diện Sở KHCN các tỉnh: An Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Đại diện các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể và nhiều Doanh nghiệp (DN) tại Cần Thơ.

Hội thảo (HT) nhằm gắn kết, tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao KHCN phục vụ quá trình phát triển KT-XH của đất nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, đồng thời hướng đến chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam 18 tháng 5.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, trao  Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KHCN cho tập thể và cá nhân thuộc Sở KHCN TP. Cần Thơ, có thành tích xuất sắc trong công tác Quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ năm 2021.

Trong phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: “TP. Cần Thơ luôn xác định KHCN là một trong những động lực tạo nền tảng cho sự phát triển KT-XH nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh, đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xem là yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng của các DN nhất là DN khởi nghiệp. Bất kỳ Công ty lớn nào cũng bắt nguồn từ Công ty khởi nghiệp. Thực tế cho thấy DN khởi nghiệp luôn tiên phong trong hoạt động ĐMST và ứng dụng công nghệ, sáng chế cũng như mạnh dạn khai thác tài sản trí tuệ mới. Hơn thế, DN khởi nghiệp nói riêng, DN nói chung đã nhận thức không có lựa chọn nào khác là phải làm chủ được công nghệ, sáng chế và không ngừng ĐMST, khai thác tài sản trí tuệ chung một cách hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách như: Chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp; Chương trình đổi mới công nghệ thiết bị; Chương trình hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ nhằm tạo điều kiện cho các DN tiếp cận và nâng cao hàm lượng KHCN tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đóng góp  hiệu quả vào sự phát triển KT-XH của TP”.

Quang cảnh HT.

Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tạo sự liên kết giữa cơ quan nhà nước với các DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài TP, kiến nghị các giải pháp góp phần phát triển hoạt động khởi nghiệp,… Theo các đại biểu: Các DN muốn thành công và phát triển bền vững, không thể thiếu việc gắn kết giữa ĐMST và SHTT, ứng dụng công nghệ và các sáng chế tiên tiến trong hoạt động. Ông Trần Giang Khuê - Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM, khẳng định: “Ngày nay SHTT ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng trong phát triển KHCN và KT-XH. Các tài sản trí tuệ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp các DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp, thực hiện ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia”.

Ở lĩnh vực hỗ trợ DN khởi nghiệp, ông Phạm Minh Quốc - Giám Đốc Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ DN. Thời gian qua, với những hiệu quả đem lại, mô hình vườn ươm đã có vai trò to lớn đối với nền kinh tế nói chung và thúc đẩy phát triển các DN vừa và nhỏ nói riêng.

Đối với vai trò của Nhà nước, bà Trần Thị Thanh Điệp - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KHCN TP. Cần Thơ, thông tin về một số chính sách, biện pháp của TP. Cần Thơ nhằm hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ, trong đó năm 2022, UBND TP. Cần Thơ dự kiến dành 5,950 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện 4 nhiệm vụ: Xây dựng, khai thác và phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025. Xác lập quyền sở hữu trí tuệ các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL. Phổ biến kiến thức về SHTT và phát triển thương hiệu. Phổ biến kiến thức pháp luật về quyền SHTT tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng,…

Các chính sách hỗ trợ DN khởi nghiệp ĐMST,  đã góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên. Tuy nhiên, để các nhà khởi nghiệp có sự kết nối cần thiết nhằm đạt thành công hơn trong hành trình khởi nghiệp, rất cần sự hỗ trợ để DN được tiếp cận các nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Ở lĩnh vực này, ông Vương Lê Vĩnh Nhân - Nhà sáng lập & Tổng giám đốc Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo FUNDGO, đã giới thiệu về Quỹ đầu tư FUNDGO. Theo đó, quỹ được thành lập nhằm hỗ trợ vốn hoạt động cho các DN khởi nghiệp có dự án sáng tạo và tiềm năng.

Ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở KHCN TP. Cần Thơ, phát biểu kết luận.

Ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở KHCN TP. Cần Thơ, thừa nhận: Thực tiễn cho thấy, mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo luôn chứa đựng các yếu tố rủi ro nhưng nếu vượt qua các khó khăn, thách thức thì sẽ đem lại nhiều giá trị to lớn, đóng góp cho sự phát triển KT-XH của địa phương và đất nước: “Qua buổi hội thảo, chúng ta đã cùng chia sẻ giữa cơ quan quản lý và DN, học tập nhiều kinh nghiệm thực tiễn giữa các địa phương. Những kinh nghiệm này góp phần hỗ trợ DN và hoạt động khởi nghiệp, khuyến khích hoạt động ĐMST trên địa bàn TP, đồng thời gắn kết hơn trong công tác phối hợp giữa các địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành KHCN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN.”- ông Tín nhấn mạnh.

Cần nói thêm: Việt Nam có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp ĐMST và nhiều Startup đã thành công, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, đã có các Startup gọi vốn lên tới triệu đô, điển hình là Got It. Năm 2021, cũng đánh dấu một dấu ấn mới: Việt Nam có 4 kỳ lân gọi được vốn tỉ đô và đứng thứ 3 Đông Nam Á, đặc biệt là những Startup thuộc lĩnh vực Công nghệ 4.0 như Fintech đang phát triển mạnh. Thực tế trên khẳng định: Muốn thành công trong khởi nghiệp, chắc chắn phải dựa trên công nghệ mới và sở hữu trí tuệ.

Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận