tạp chí bầu trời

Cần Thơ: Để các chính sách an dân đạt hiệu quả cao

Đáp ứng Tờ trình số 145/TTr-UBND ngày 17-8-2021 của UBND TP Cần Thơ gởi Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Tài Chính, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ TP Cần Thơ 5.015.490 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 334.366 người dân, tổ chức hỗ trợ thành 02 đợt

Đợt I, Sở LĐTBXH TP Cần Thơ tiếp nhận 1.400.000 kg gạo vào ngày 22-8-2021 và đã cấp phát đến 93.333 người dân gặp khó khăn về lương thực ở 09 quận, huyện (mỗi người nhận 15 kg gạo). Đợt II tiếp nhận 3.615.490 kg gạo vào ngày 27-9-2021, dự kiến cấp phát cho 241.033 người tại các quận, huyện.

Hiện nay các xã, phường đang nhận gạo và cấp phát đến người dân. Ngày 8-10, có mặt tại Nhà Văn hóa khu vực 2, phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, tôi cảm kích trước cách tổ chức bài bản, minh bạch của một cấp cơ sở. Theo đó, với 680 phần gạo được cấp phát, chị Lê Thị Hồng Nga, Bí thư chi bộ - Khu vực trưởng, lập danh sách những người từ 60 tuổi trở lên và những đối tượng lao động tự do trong khu vực, trừ đi những hộ đã nhận gạo đợt I, sau đó in Phiếu nhận gạo gởi đến các hộ, trong đó ghi rõ nhận bao nhiêu phần (theo số người trên 60 tuổi trong gia đình).

Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTBXH TP Cần Thơ, trao quà cho trẻ em có cha mẹ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Tại Điểm tổ chức cấp phát, toàn bộ hệ thống chính trị đều tham gia, kết hợp tiếp sức của lực lượng bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ, việc phân phát diễn ra trong trật tự và đảm bảo nguyên tắc 5K. Những hộ dân lần lượt vào theo từng đợt để bảo đảm khoảng cách 2m. Trước khi ký tên nhận gạo bà con rửa tay với nước sát khuẩn. Bí thư chi bộ - Khu vực trưởng Hồng Nga có mặt xuyên suốt để kiểm tra Phiếu, rà soát danh sách, hướng dẫn người nhận ký tên. Chị chia sẻ: “Người đại diện đến lãnh gạo mang khẩu trang nên em phải làm phiếu nhận gạo để kiểm tra. Việc in Phiếu và gởi đến từng hộ dân cũng hơi mất thời gian nhưng phải làm vậy để nhanh, gọn, minh bạch, không bỏ sót ai. Làm được những gì mang lại thuận lợi và hiệu quả cho bà con là em cố gắng”.

Bí thư chi bộ - Khu vực trưởng KV 2, Phường Thới Bình Lê Thị Hồng Nga  hướng dẫn người nhận ký tên

Những trường hợp lớn tuổi, và các hộ nhận 3,4 phần gạo được các bạn dân phòng nhiệt tình hỗ trợ, mang gạo ra bên ngoài Nhà Văn hóa để người nhà chở về...Ông Nguyễn Thanh Thảo, ở số 2/44, đường Bùi Thị Xuân, cho biết: Gia đình ông có 10 người gồm ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu ở chung trong căn nhà nhỏ. Ông làm nghề chạy xe ôm, những người trong tuổi lao động còn lại đều là lao động phổ thông, mấy tháng nay không có việc làm, gia đình sống nhờ hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, nhà hảo tâm. Đợt này nhà ông được nhận 3 phần gạo, ông xúc động: “Chúng tôi mang ơn Nhà nước đã quan tâm. Số gạo này cả nhà ăn cũng được lâu lâu. Tôi mong dịch bệnh mau được kiểm soát, việc làm ăn trở lại như trước để mọi người đều có cơm ăn, Nhà nước không phải lo hỗ trợ dân nghèo”.

Chuyển gạo hỗ trợ vào khu tiếp nhận tại trường Tiểu học Võ Trường Toản, phường An Hòa, quận Ninh Kiều

 

...Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác an sinh, đợt II này quận Bình Thủy nhận 150.255 kg gạo, phát cho đối tượng công nhân và người lao động (NLĐ) tự do, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, bà Phan Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết: Ngoài việc lập danh sách những người được nhận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận phối hợp các phường thực hiện giám sát, kiểm tra việc tổ chức giao nhận, để những hạt gạo nghĩa tình đến đúng đối tượng và kịp thời.

Theo số liệu của Sở LĐTBXH TP Cần Thơ, đến nay các quận, huyện đã phát trên 2.300.000 kg gạo cho người dân. Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 68, toàn TP đã hỗ trợ  3.671 người sử dụng lao động gồm 151.742/213.082 lượt người, với kinh phí trên 195,4 tỷ đồng/326,7 tỷ đồng, đạt 71,21% so với số người được phê duyệt. Trong thực hiện chính sách hỗ trợ lao động tự do (LĐTD) theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP, đã hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động 09/09 quận, huyện lần 1 (mức 1.200.000 đồng/người) và lần 2 (mức 800.000 đồng/người). Đến nay đã chi hỗ trợ 7.431/7.888 người với kinh phí 13,2 tỷ đồng, tỷ lệ 94,2%. Với các nhóm LĐTD còn lại, số được phê duyệt hỗ trợ 109.177 người, kinh phí trên 218,3 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ 59.974 người, kinh phí trên 119,9 tỷ đồng.

Người dân KV 2, phường Thới Bình, trật tự ngồi đợi đến lượt nhận gạo

Bên cạnh những kết quả tích cực, bà Phan Quỳnh Dao, Phó GĐ Sở LĐTBXH TP Cần Thơ, thẳng thắn chia sẻ: Quá trình thực hiện các chính sách xã hội còn gặp nhiều trở ngại, trong đó Chính sách hỗ trợ kinh doanh mới có quận Thốt Nốt và huyện Cờ Đỏ thực hiện. Nguyên nhân thì nhiều, như: Tiến độ chi sau khi có Quyết định phê duyệt ở một số chính sách còn chậm. Thời gian thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 68 được kéo dài hơn so với Nghị quyết 42 nên nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới triển khai, chưa chủ động thực hiện qua Cổng dịch vụ công Quốc gia nên số lượng ở một số Chính sách còn ít. Người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu hết các chính sách nên chưa tích cực gởi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan chức năng của địa phương: “Công tác rà soát, lập danh sách, niêm yết danh sách hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do  thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg khiến mất nhiều thời gian, nhân lực thực hiện. Có nhiều trường hợp pháp luật quy định phải giao kết hợp đồng lao động (LĐ), nhưng người sử dụng LĐ không thực hiện điều này. Thực tế, những NLĐ này bị mất việc làm, mất thu nhập nhưng do thuộc đối tượng phải giao kết hợp đồng LĐ theo quy định của pháp luật nên không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 52 của Hội đồng nhân dân, đồng thời do không có hợp đồng lao động nên cũng không được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Một số địa phương chưa nghiên cứu sâu văn bản nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn, giải thích để NLĐ hiểu về chính sách, đặc biệt là xác định công việc chính và điều kiện để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 52. Ngoài ra, nhiều trường hợp có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trước thời gian xảy ra dịch bệnh thì làm công việc tự do như bán vé số lưu động, buôn bán nhỏ, làm thuê...tại các tỉnh, thành khác, hiện nay về Cần Thơ sinh sống và yêu cầu được hỗ trợ theo Nghị quyết 52. Trong khi các công việc làm tại các tỉnh, thành khác do người dân tự khai trong đơn đề nghị hỗ trợ, cán bộ ấp, khu vực không có cơ sở để chịu trách nhiệm xác nhận danh sách” – Bà Quỳnh Dao phân tích.

Về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐTBXH, nhấn mạnh: “Sở tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng địa phương rà soát, thống kê số lượng NLĐ bị ngừng hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang gặp khó khăn, nhưng không đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết (NQ) 68 và NQ 52, để tham mưu cơ quan có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thành lập Tổ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về các Chính sách hỗ trợ NLĐ. Đặc biệt, chúng tôi thành lập nhóm ứng dụng zalo “Hướng dẫn thực hiện NQ số 52/NQ-HĐND” bao gồm các thành viên: Lãnh đạo Sở LĐTBXH và lãnh đạo các phòng chuyên môn, các chuyên viên nghiệp vụ thuộc Sở và các phòng LĐTBXH quận, huyện nhằm thông tin kịp thời những chỉ đạo, hướng dẫn trong thực hiện NQ 52. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi các vướng mắc từ cơ sở để giải đáp, hướng dẫn và giải quyết những khó khăn đặt ra trong thực tiễn triển khai chính sách tại cơ sở”.

 Trần Tuấn – Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận