tạp chí bầu trời

CẦN THẬN TRỌNG VỚI ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CÁC SÂN BAY MỚI

Cục hàng không vừa có văn bản trình Bộ giao thông vận tải “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”, với định hướng đến năm 2030 cả nước sẽ có 26 sân bay gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa. Định hướng đến năm 2050 sẽ toàn quốc sẽ có 30 cảng hàng không bao gồm 15 cảng hàng không quốc tế và 15 cảng hàng không nội địa. Bên cạnh đó hàng loạt địa phương khác cũng đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng sân bay tại địa phương mình với lý do nhằm phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương.

Phát triển kinh tế là cần thiết nhưng không duy ý chí

Lý do thường được các địa phương đưa ra khi đề nghị xây dựng sân bay là kinh tế địa phương chưa phát triển, cần xây dựng sân bay nhằm tạo ra đòn bẫy, động lực để phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Cũng có rất nhiều địa phương lấy lý do an ninh quốc phòng để thuyết phục tính khả thi cuả việc xây dựng sân bay. Tất nhiên kèm theo các đề xuất là những luận chứng kinh tế “đẹp’ với những con số có vẻ rất thuyết phục về số lượng hành khách,  doanh thu, lợi nhuận hằng năm. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong tổng số 22 cảng hàng không đang hoạt động chỉ có 6-7 đơn vị là kinh doanh có hiệu quả. Các sân bay này phần lớn nằm ở các địa phương lớn, các trung tâm du lịch dịch vụ của cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội... Còn lại các sân bay khác đều trong tình trạng kinh doanh thua lỗ. Tình trạng ồ ạt đề xuất xây dựng sân bay hiện nay cũng tương tự kịch bản cách đây hàng chục năm khi các địa phương đua nhau xây dựng cảng biển để rồi lâm vào tình trạng cảng không có tàu vào, không có nguồn hàng dẫn đến kinh doanh thua lỗ triền miên. Nhiều địa phương duy chí trong việc đề xuất xây dựng sân bay mà không quan tâm tới việc các hãng hàng không có mở đường bay tới sân bay địa phương mình trong tương lai hay không. Theo quy luật kinh tế thị trường các hãng hàng không sẽ không mở đường bay hoặc chỉ mở số lượng chuyến bay hạn chế tới các sân bay có ít khách hoặc không đầy chuyến vì sẽ không hiệu quả. Thực tế các sân bay nhỏ hiện nay như: Đồng Hới, Tuy Hoà, Phù Cát… các hãng hàng không đều mở rất ít các chuyến bay hàng ngày, hàng tuần dẫn đến tình trạng hành khách vẫn phải di chuyển đến các sân bay lớn ở các địa phương lân cận để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của mình.

Sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Phải đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu

Dù bất kỳ lý do gì thì hiệu quả kinh tế vẫn là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi quyết định đầu tư xây dựng các sân bay mới. Các địa phương ở vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang… tạm thời chưa nên đề cập đến quy hoạch xây dựng sân bay lần này bởi quy mô kinh tế ở các địa phương đó còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người chưa cao so với mặt bằng chung cả nước nên hiệu quả kinh tế khi đầu tư sân bay tại các địa phương này sẽ không cao, nếu không nói là có khả năng thua lỗ.

Các địa phương có cự ly quá gần nhau mà đã có sân bay hiện hữu thì trước mắt chưa nên xây dựng sân bay mới ở địa phương còn lại. Có ý kiến cho rằng rất nhiều nước trên thế giới quy hoạch, xây dựng sân bay với cự ly cách nhau chừng 100-150 km và lấy đó làm cơ sở cho việc đề xuất xây dựng sân bay ở địa phương mình. Tuy nhiên vấn đề cần lưu ý ở đây là quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người ở các quốc gia đó cao gấp hàng chục lần chúng ta cho nên nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân ở đó rất lớn, trong khi đó việc đi lại bằng đường hàng không đối với một bộ phận không nhỏ người dân Việt nam chúng ta chưa phổ biến vì giá cước khá cao so với mức thu nhập bình quân của họ. Chỉ khi nào các sân bay được đánh giá sẽ quá tải thì mới tính đến việc mở rộng sân bay hiện hữu hoặc đầu tư xây dựng sân bay mới ở địa phương lân cận, nếu không việc xây dựng sân bay mới sẽ không tạo ra giá trị gia tăng mà chỉ giải quyết vấn đề chia nhỏ khối lượng hành khách giữa các sân bay mà thôi.

Nhà nước nên khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng sân bay để tránh rủi ro lãng phí ngân sách do việc chạy đua xây dựng sân bay theo phong trào. Các dự án xây dựng sân bay mới nếu sử dụng vốn ngân sách nhà nước cần phải được các tổ chức tư vấn độc lập phản biện, đánh giá trước khi nhà nước quyết định đầu tư.

Mặt khác cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa các địa phương và các hãng hàng không trước khi quyết định quy mô đầu tư nhằm bảo đảm khai thác tối đa hiệu qủa sân bay khi đưa vào hoạt động, tránh xảy ra trường hợp các sân bay xây dựng xong nhưng có rất ít chuyến hoặc ít hãng hàng không mở đường bay như hiện nay.

PV

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận