Máy bay phản lực 2 động cơ đang thống trị thị trường máy bay thương mại nhưng trước đó, thiết kế 3 động cơ được sử dụng rộng rãi.
Máy bay 3 động cơ có nhiều hình dạng và kích cỡ, ngay cả chiếc đĩa bay mang tính thử nghiệm cao Avrocar cũng có thể được coi là một chiếc máy bay 3 động cơ phản lực.
Cách bố trí động cơ của những tàu bay này thường có hai dạng: Hai động cơ đặt dưới cánh và một động cơ ở đuôi; hoặc cả ba động cơ đều nằm phía sau với hai chiếc trên thân và một chiếc ở đuôi. Thiết kế thứ hai dịch chuyển trọng tâm của máy bay và làm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu.
Máy bay phản lực 3 động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn máy bay phản lực 4 động cơ. Tuy nhiên, chúng không phải là không có nhược điểm.
Trọng tâm mới giúp tiết kiệm nhiên liệu nhưng khiến máy bay khó điều khiển hơn. Hơn nữa, vì động cơ thứ 3 là một phần của đuôi và sử dụng một thiết kế độc đáo được gọi là ống chữ S nên việc lắp đặt khó khăn hơn nhiều so với động cơ gắn trên cánh tiêu chuẩn.
Chiếc máy bay phản lực 3 động cơ đầu tiên là Tupolev Tu-73, bay năm 1947. Tuy nhiên, đó là mẫu máy bay ném bom chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Máy bay 3 động cơ thực sự phổ biến cho đến đầu những năm 1960 khi Hawker Siddeley Trident và Boeing 727 ra đời.
Giống như cách máy bay 3 động cơ chiếm ưu thế so với máy bay 4 động cơ, máy bay 2 động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn và rẻ hơn các thiết kế trên.
Ngoài ra, những tiến bộ trong công nghệ đã làm cho động cơ phản lực ngày càng mạnh mẽ và đáng tin cậy. Giờ đây với 2 động cơ, máy bay có thể tới bất cứ đâu trên thế giới.
Rẻ hơn và tốt hơn chính là ưu thế không thể chối bỏ của máy bay 2 động cơ. Tuy nhiên, máy bay 3 động cơ chưa hoàn toàn tuyệt chủng, máy bay 4 động cơ cũng vậy.
Hiện phần lớn các máy bay 3 động cơ được tái sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Theo thời gian, chúng giảm dần số lượng vì thiếu linh kiện thay thế.
Một trong những công ty ít ỏi còn chế tạo máy bay phản lực 3 động cơ là Dassault Falcon, chuyên sản xuất máy bay cá nhân như Falcon 8x và 900LX.