Quốc tế

Cách Boeing tìm lại niềm tin đã mất

Hoàng Anh 28/06/2024 11:21

Kiểm soát chất lượng từ nhà thầu Spirit AeroSystems và cải tiến chương trình đào tạo nhân viên mới là trọng tâm trong kế hoạch cải tổ của Boeing.

Tuần này, Boeing mời giới truyền thông đến tham quan nhà máy ở thành phố Renton, bang Washington (Mỹ) nhằm chứng minh các biện pháp mà công ty đang thực hiện để xây dựng lại lòng tin.

Kiểm tra chéo Spirit

Elizabeth Lund, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng, mô tả 4 nhóm hành động mà Boeing đang thực hiện để giải quyết vấn đề gồm đầu tư đào tạo lực lượng lao động, đơn giản hóa kế hoạch và quy trình, loại bỏ khiếm khuyết, nâng cao văn hóa an toàn và chất lượng.

74be570298f12713b844ccb855f19efb_11zon.jpg
Bà Elizabeth Lund, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách chất lượng của Boeing, trình bày chi tiết vụ bung tấm bịt cửa chiếc 737 MAX 9 hôm 5/1. Ảnh: Seattle Times.

Việc nâng cấp sẽ mất vài năm, nhưng bà Lund thấy nó đang giúp Boeing trở nên mạnh mẽ hơn. Bà tin tưởng những chiếc máy bay xuất xưởng hiện tại cực kỳ an toàn.

Từ tháng 1, khoảng 150 nhân viên Boeing được phân công đến hoạt động ở nhà máy Spirit AeroSystems ở Wichita (bang Kansas, Mỹ), nơi chế tạo phần thân 737 MAX. Chuyến công tác của nhóm "đặc phái viên" Boeing góp phần cải thiện hiệu quả công việc. Họ giúp giảm phần lớn khiếm khuyết trên thân máy bay chỉ trong 3 tháng và giảm hơn 50% nhiệm vụ chậm trễ ở Spirit.

Bill Riley - thanh tra chất lượng có thâm niên 16 năm - là một trong những người được cử đến nhà máy Spirit. “Tôi đến đây để hướng dẫn những gì tôi biết ở Boeing và học hỏi thêm từ Spirit”, Riley nói, đồng thời quả quyết những cuộc gặp mặt, làm việc trực tiếp như vậy giúp quy trình trơn tru hơn, mang đến thay đổi tích cực trong chất lượng thành phẩm.

cf2c1a22293a6686e57714191c6e05c6_11zon.jpg
Miếng băng dính màu cam chỉ vào 1 đinh tán hơi nhô lên gần chốt cửa giữa cabin máy bay 737 MAX. Ảnh: Seattle Times.

Boeing đang triển khai cải tiến trên toàn bộ 3 dây chuyền lắp ráp, được chia thành 10 trạm. Công nhân Boeing hiện phải kiểm tra kỹ ở mỗi trạm xem hoạt động có đáp ứng tiêu chuẩn hay không, rồi mới được chuyển sang trạm tiếp theo.

Họ cần xem xét kỹ lưỡng các chi tiết và báo cáo nếu một bộ phận bị lỗi hoặc bị tháo ra sai cách. Kể từ sự cố bung tấm bịt cửa hồi tháng 1, nhà máy ở Renton áp dụng việc theo dõi mã vạch và người quản lý trực tiếp giám sát quy trình theo dõi đó.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Gần 3 dây chuyền lắp ráp - nơi có 300-500 người làm việc trên mỗi dây chuyền - các tân binh đang miệt mài trau dồi kỹ năng cơ khí ở trung tâm đào tạo.

Boeing đang trong đợt tuyển dụng rầm rộ để bổ sung hàng nghìn công nhân mới, bù đắp cho những công nhân giàu kinh nghiệm đã lũ lượt ra đi hoặc nghỉ hưu trong đại dịch Covid-19.

Theo Elizabeth Lund, chương trình đào tạo trước đây hiệu quả vì nhân sự mới không nhiều. Nhưng hiện giờ lượng tân binh tuyển vào ồ ạt, trong khi người cũ giàu kinh nghiệm đã nghỉ, khiến tình trạng không ai kèm cặp nhân sự mới trở nên nhức nhối.

Boeing phản ứng bằng việc bổ sung hơn 300 giờ đào tạo cho mỗi công nhân. Công ty sửa đổi tài liệu để chúng thực tế hơn, mô phỏng sát các hoạt động của nhà máy. Tân binh cần tối thiểu 14 tuần đào tạo mới được làm việc tại xưởng lắp ráp, thay vì 12 tuần như trước đây. Các kỹ sư cũng tham gia đào tạo dù không phải lúc nào cũng được yêu cầu.

96591f69b43db8e47ce8583df0f70a89_11zon.jpg
Derrick Farmer và Timothy Well tham gia đào tạo về hệ thống điện tại Trung tâm Đào tạo Cơ bản của Boeing. Ảnh: Seattle Times.

Trung tâm đào tạo của Boeing có khoảng 600 nhân sự thường xuyên lui tới. Nơi đây có 160 chuyên gia làm nhiệm vụ đào tạo.

Kayla Abusham, một trong những chuyên gia, cho biết: “Chương trình đào tạo mới phức tạp hơn nhiều và rất sát thực tế, buộc các học viên phải tập trung vào ghi chép công việc thực hiện”.

Derrick Farmer đã trải qua 2 tháng huấn luyện ở Boeing. Từng nhiều năm làm thợ máy trong lực lượng không quân, Derrick nói mức độ chi tiết của máy bay thương mại khiến ngay cả những người giàu kinh nghiệm như anh phải vất vả để tiếp thu.

Boeing cũng mời các công nhân cũ trở lại làm công tác đào tạo. Tại một trạm trong trung tâm đào tạo, người đàn ông tên Zach Jackson chỉ cho báo giới cách khoan lỗ trên tấm kim loại. Jackson bắt đầu làm việc ở Boeing năm 1978. Ông rời đi hồi những năm 1990 rồi quay lại cách đây vài năm để giúp đào tạo thế hệ kế cận.

“Tôi yêu nơi này. Đó là lý do tôi vẫn ở đây để giúp đỡ,” Jackson nói. Con trai ông đang làm việc ở đây. Anh chưa bao giờ muốn làm việc cho Boeing, nhưng Jackson đã thuyết phục thành công.

Trình kế hoạch cải tổ tới cơ quan quản lý

Cũng trong chuyến thăm của báo giới, bà Elizabeth Lund tiết lộ Boeing đang có kế hoạch họp bàn với Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) và nhiều nhà chức trách hàng không ở các khu vực khác về những thay đổi trong cách chế tạo máy bay.

Cuộc họp có sự tham gia của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Phía Boeing muốn đảm bảo các cơ quan quản lý được biết mọi bước Boeing sẽ thực hiện trong quá trình cải tổ sản xuất.

Theo Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP), FAA và EASA quản lý nhà máy của Boeing và Airbus. Họ luôn công nhận các phê duyệt an toàn của bên còn lại. Mối quan hệ đó gặp thử thách lớn sau hai vụ tai nạn 737 MAX khiến gần 350 người chết vào năm 2018 và 2019.

d40738dfff007333f571ba51087cb94f_11zon.jpg
Katie Ringgold, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chương trình 737 MAX, phát biểu trước giới truyền thông tại nhà máy Boeing. Ảnh: Seattle Times.

Hồi tháng 3, EASA từng thông báo khả năng ngừng công nhận việc FAA chứng nhận hoạt động sản xuất máy bay Boeing là an toàn. Tuy nhiên, quyền Giám đốc EASA Luc Tytgat cho hay ông cảm thấy yên tâm khi Boeing đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng.

Sau vụ bung tấm bịt cửa chiếc 737 MAX 9 hôm 5/1, các cơ quan quản lý liên bang Mỹ giới hạn sản lượng 737 MAX xuống còn 38 chiếc mỗi tháng. Katie Ringgold nói Boeing thậm chí còn sản xuất ít hơn thế vì họ không tập trung vào tỷ lệ. Họ tập trung vào việc ổn định nhà máy với những thay đổi về an toàn và chất lượng.

Cuối cùng, Boeing sẽ phải tăng tốc độ sản xuất nếu muốn làm hài lòng các hãng hàng không đang háo hức nhận máy bay mới, chưa kể đến các nhà đầu tư và nhà phân tích ở Phố Wall.

Nhưng hiện tại, đội ngũ lãnh đạo công ty cho biết trọng tâm của họ là lắp ráp chính xác từng bulông và đinh tán.

Theo Reuters, Kuow, Kuwait Times
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cách Boeing tìm lại niềm tin đã mất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO