Văn minh hàng không

Các quốc gia kiểm soát vùng trời như thế nào?

Thắng Nguyễn 07/06/2024 06:00

Khi nói đến chủ quyền vùng trời, nhiều người chỉ biết đến không phận. Tuy nhiên thực tế khái niệm này phức tạp hơn nhiều.

Vùng trời quốc gia

Vùng trời quốc gia bao gồm không phận phía trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, nội thủy và lãnh hải của một quốc gia. Giới hạn theo chiều dọc của vùng trời quốc gia là một mặt cắt dọc theo đường biên giới trên đất liền và trên biển.

Vùng trời quốc gia sẽ bao gồm toàn bộ khoảng không đến giới hạn ngoài của khí quyển Trái Đất - nơi bắt đầu của không gian vũ trụ. Liên đoàn Hàng không Quốc tế cũng xác định vùng trời từ 100 km trở lên được xem như vùng không gian.

xabuon-girl-xinh-haivl-xemvn-sex-19-03-202316792333221082.jpg
Biên giới đất liền và trên biển là cơ sở xác định vùng trời quốc gia. Ảnh: NASA.

Trong không phận của mình, quốc gia có quyền tự do quyết định ai được phép và không được phép bay qua. Quốc gia có quyền cấm hoặc hạn chế các chuyến bay qua lãnh thổ của mình.

Ngoài ra, quốc gia này cũng có nghĩa vụ đảm bảo an ninh cho các tàu bay mà họ đã cho bay ngang qua lãnh thổ của mình, ví dụ, cho phép chúng hạ cánh để bảo dưỡng hay xử lý sự cố.

Vùng trời bên ngoài ranh giới ngoài của lãnh hải các nước được xem là không phận quốc tế.

Vùng thông báo bay (Flight Information Region - FIR)

Phụ ước 11 Công ước Chicago về “Dịch vụ không lưu” (Air Traffic Services) quy định về việc thành lập và chức năng của FIR. Theo phụ ước này, vùng trời trên thế giới được chia thành một chuỗi các vùng thông báo bay liên tục, trong đó cung cấp các dịch vụ không lưu.

Mục đích của các dịch vụ không lưu là nhằm ngăn ngừa va chạm máy bay, va chạm giữa máy bay với vật cản, duy trì trật tự luồng hàng không, cung cấp thông tin hữu ích cho vận hành bay an toàn và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ. Các chuyến bay thương mại phải trả phí để sử dụng dịch vụ này.

snapedit_1717563560557.jpeg
Bản đồ FIR khu vực Đông Nam Á. Ảnh: ICAO.

Việc phân chia các vùng FIR được tiến hành dựa trên bản chất của cấu trúc tuyến hàng không và nhu cầu về tính hiệu quả của dịch vụ không lưu hơn là dựa vào đường biên giới quốc gia. Không phận của một số nước nhỏ có thể được gộp vào một FIR đơn lẻ, hoặc không phận của nước lớn có thể được chia thành nhiều FIR. Một số FIR lớn sẽ bao gồm không phận của nhiều nước.

Các vùng thông báo bay của Việt Nam bao gồm FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh với diện tích rộng 1,2 triệu km2 với lưu lượng mỗi ngày có khoảng 2.300 chuyến bay đi qua.

Vùng nhận diện phòng không

Mỗi quốc gia có quy định riêng về vùng nhận diện phòng không (Air Defence Identification Zone - ADIZ). Tựu trung lại, ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ tự ấn định và bắt buộc mọi máy bay xâm nhập vùng này phải nhận dạng, xác định vị trí và chịu sự kiểm soát của quốc gia, vùng lãnh thổ đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận.

Các máy bay vẫn có quyền tự do hàng không trong vùng ADIZ nhưng nếu không tuân thủ các quy định thủ tục sẽ có thể chịu các biện pháp can thiệp mạnh từ quốc gia xác lập ADIZ như thẩm vấn, ngăn chặn, buộc hạ cánh hoặc thậm chí bắn hạ.

Cho đến nay, rất ít các quốc gia thành lập vùng ADIZ, chỉ bao gồm Anh, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Canada, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các quốc gia kiểm soát vùng trời như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO