Gã khổng lồ hàng không vũ trụ của Mỹ đang tìm cách bán mảng kinh doanh không gian của mình sau vụ phóng thử nghiệm có người lái thảm họa của tàu Starliner.
Tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây đưa tin, Boeing đang tìm cách thoát hoàn toàn khỏi cuộc đua không gian trước cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng trầm trọng. Boeing được cho đã tiếp cận Blue Origin của Jeff Bezos, công ty đã tự sản xuất tên lửa cho NASA.
Boeing đã mất một thập kỷ để phát triển tàu vũ trụ Starliner, tuy nhiên, ngay từ vụ phóng có người lái đầu tiên, nó đã thất bại trong việc đưa các phi hành gia trở về. Trong khi đó, mảng kinh doanh chính của hãng là máy bay thương mại đang bị đóng băng do cuộc đình công diễn ra từ giữa tháng 9.
Không có gì ngạc nhiên khi Boeing đang tìm cách cắt giảm tổn thất, WSJ bình luận.
Boeing đã đốt hàng tỷ USD để cải thiện quy trình kiểm soát chất lượng sản xuất máy bay thương mại và chống lại ảnh hưởng cuộc đình công của công nhân công nghiệp đang diễn ra với quy mô lớn.
Đầu tháng này, Reuters đưa tin rằng Boeing sẽ sa thải 10% lực lượng lao động khoảng 17.000 nhân viên.
Và Starliner, đơn vị tham gia chương trình Phi hành đoàn thương mại của NASA, cũng không khá hơn là bao.
Tàu vũ trụ này này đã rời Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào tháng trước mà không có bất kỳ hành khách nào trên tàu do các vấn đề kỹ thuật không được giải quyết khiến NASA đánh giá là quá nguy hiểm đối với một chuyến trở về có phi hành đoàn.
Theo hồ sơ mới nhất nộp lên cơ quan quản lý, công ty đã chịu khoản lỗ khổng lồ 250 triệu USD cho chương trình phi hành đoàn thương mại Starliner trong quý III, nâng tổng số tiền lỗ trong quá trình phát triển tàu vũ trụ lên con số 1,85 tỷ USD.
Mặc dù đang tìm người mua Starliner, Boeing vẫn cam kết giám sát quá trình phát triển tên lửa Space Launch System của NASA, dự kiến đưa những phi hành gia đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng sau hơn nửa thế kỷ.
Tuy nhiên, tổng thanh tra của NASA đã kết luận trong một báo cáo vào tháng 8 rằng Boeing đã chậm tiến độ khiến ngân sách vượt quá kế hoạch.
Boeing vẫn là nhà sản xuất hàng không vũ trụ kỳ cựu nổi bật nhất hợp tác với NASA khi SpaceX của Elon Musk đã vươn lên từ một công ty mới thành lập thành thế lực thống trị ngành.
Một Boeing suy yếu hoặc rút khỏi lĩnh vực không gian sẽ khiến chính phủ Hoa Kỳ phụ thuộc chặt chẽ vào SpaceX để đưa các phi hành gia lên vũ trụ từ đất Mỹ.
Việc loại bỏ Starliner có nghĩa Boeing đang quay lưng lại với lịch sử kéo dài khoảng 60 năm đưa các phi hành gia của mỹ lên vũ trụ, từ tên lửa Saturn V đã đưa Neil Armstrong lên Mặt Trăng cho đến các tàu con thoi đưa người đến Trạm vũ trụ quốc tế.
Trong khi Starliner gặp phải nhiều lần trì hoãn, tàu con thoi Crew Dragon của SpaceX đã thực hiện 43 chuyến thăm đến ISS kể từ năm 2019, chở cả phi hành đoàn và hàng hóa cho NASA.
Cơ quan này gần đây đã thuê SpaceX để giải cứu hai người Mỹ bị mắc kẹt tại trạm vũ trụ, sau khi các vấn đề về động cơ đẩy của Starliner buộc cơ quan này phải ra lệnh cho tàu trở về Trái Đất mà không có người lái.
Chad Anderson, Đối tác quản lý của Space Capital và là nhà đầu tư của SpaceX ,cho biết nếu Boeing bỏ cuộc, đó là điều đáng buồn cho nước Mỹ, cho sự cạnh tranh và cho khả năng tiếp cận không gian của quốc gia này.
NASA và Boeing vẫn đang hợp tác để giải quyết các vấn đề phát sinh trong chuyến bay thử nghiệm gần đây nhất của công ty, với mục tiêu cuối cùng là cấp chứng nhận Starliner cho các chuyến bay có người lái thường xuyên - trừ khi có thay đổi gì đó từ phía Boeing, theo một người quen biết.
SpaceNews đưa tin, một viên chức của NASA ngầm chỉ rằng cơ quan này đã đóng băng các nhiệm vụ mới đối với tàu Starliner sau khi khiến hai phi hành gia bị mắc kẹt trên ISS.
Đầu tuần này, NASA đã thông báo rằng các nhiệm vụ luân phiên phi hành đoàn sắp tới của họ có tên là Crew-10 và Crew-11 lên ISS sẽ sử dụng tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX. Nhiệm vụ này trước đó ban đầu được chỉ định cho Starliner. Tuy nhiên, sản phẩm của Boeing vẫn chưa được chứng nhận để bay.
Chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định NASA đã từ bỏ Starliner mãi mãi hay không, nhưng động thái này chứng tỏ cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đã mất niềm tin vào tàu vũ trụ của Boeing.
Trong thông báo của mình, NASA cho biết "thời gian và cấu hình của chuyến bay tiếp theo của Starliner sẽ được xác định sau khi hiểu rõ hơn về con đường đạt được chứng nhận hệ thống của Boeing".