Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc giao UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện đầu tư xây dựng đường băng thứ hai tại sân bay Phù Cát.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ liên quan đến việc xác định đơn vị chủ quản đầu tư Dự án hạng mục xây dựng đường cất hạ cánh số 2, Cảng hàng không Phù Cát.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị việc xem xét giao UBND tỉnh Bình Định là cơ quan chủ quản Dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay của Cảng hàng không Phù Cát, hoàn thiện các thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
Bộ GTVT cũng đã xây dựng 2 phương án đầu tư xây dựng đường băng thứ hai của sân bay Phù Cát. Cụ thể:
Phương án 1: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện là doanh nghiệp cảng hàng không Phù Cát, có trách nhiệm đầu tư xây dựng đường băng thứ hai theo quy hoạch được phê duyệt.
Tuy nhiên, ACV báo cáo là đơn vị này đang tập trung nguồn vốn để đầu tư các dự án lớn, trọng điểm ngành hàng không như: sân bay Long Thành, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài. Và ACV cũng đang thực hiện nhiệm vụ đầu tư nâng cấp các sân bay khác: Điện Biên, Cát Bi, Đồng Hới, Cà Mau... Do đó, ACV chưa thể cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án xây dựng đường băng thứ hai sân bay Phù Cát trong giai đoạn này.
Phương án 2: Nhà nước trực tiếp đầu tư dự án xây dựng đường bắng thứ hai sân bay Phù Cát. Với phương án này, pháp luật về hàng không dân dụng không quy định cụ thể về trách nhiệm đầu tư của ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương.
Trường hợp Bộ GTVT thực hiện đầu tư đường băng thứ hai sân bay Phù Cát trong giai đoạn này thì bộ không có khả năng cân đối vốn đề đầu tư Dự án ngay. Vì kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương giao cho Bộ GTVT được tập trung ưu tiên phát triển các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Quốc hội.
Trường hợp UBND tỉnh Bình Định thực hiện đầu tư đường băng thứ hai sân bay Phù Cát: Theo báo cáo, UBND tỉnh Bình Định sẵn sàng bố trí khoảng 1.513 tỉ đồng (trong đó, khoảng 1.008 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng) để thực hiện dự án trong giai đoạn này.
Về đề xuất hỗ trợ khoảng 1.500 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện nay cấp có thẩm quyền chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến nên chưa có cơ sở xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cho UBND tỉnh Bình Định thực hiện đầu tư.
Tuy nhiên, trường hợp dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn 2026-2030 sẽ tiếp tục được bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công (dự án chuyển tiếp thuộc danh mục của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước).
Còn theo Bộ Tài chính, hiện nay, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét theo hướng cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên tại địa bàn.
Vì vậy, việc sử dụng ngân sách địa phương của UBND tỉnh Bình Định được thực hiện theo quy định sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua.
Từ ý kiến của các bộ và dựa theo bối cảnh hiện tại, Bộ GTVT ủng hộ việc giao UBND tỉnh Bình Định tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đường băng thứ hai và các công trình khác thuộc khu bay của sân bay Phù Cát.