tạp chí bầu trời

Bình Dương: Lên kế hoạch phục hồi kinh tế sau thời gian dài giãn cách xã hội

Ngày 14/9/2021 UBND tỉnh Bình Dương ban hành công văn số 4639/KH-UBND về kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội.

Với tiêu chí tuyệt đối không được chủ quan, nóng vội nới lỏng các yêu cầu giãn cách đối với những địa phương chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh. Tránh lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và chủ quan, nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất - kinh doanh khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp chống dịch. Quán triệt phương châm “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tuân thủ các hướng dẫn về an toàn phòng chống dịch của Bộ Y tế trong từng ngành, lĩnh vực gắn với điều kiện cụ thể, đặc thù của từng địa phương trong tỉnh; quyết tâm bảo vệ được thành quả chống dịch; nhanh chóng thu hẹp vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh. Từng bước mở cửa, hồi phục kinh tế, giải quyết việc làm và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Về xét nghiệm

Đối với “Vùng đỏ” tiếp tục kiên trì xét nghiệm 100% dân số theo công thức 1-3-5 của ngành y tế với tinh thần tập trung thần tốc, quyết liệt trong sàng lọc, “làm đến đâu, sạch đến đó” để chuyển hóa các địa bàn vùng đỏ trong tháng 9/2021. Đối với “Vùng vàng, vùng cam, vùng xanh” thì tổ chức xét nghiệm nghiêm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế để nhanh chóng bóc tách F0, xử lý kịp thời không để lây lan. Tổ chức xét nghiệm với lộ trình từng bước tiến tới bình thường mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, xét nghiệm điều tra dịch tễ (nhằm dự báo tình hình, đưa ra các giải pháp phòng chống dịch phù hợp) và xét nghiệm dùng cho điều trị. Từng bước khuyến khích người dân tự xét nghiệm tại gia đình

Đối với tiêm vắc xin cho người dân

Đến ngày 15/9 phải đạt mục tiêu bao phủ mũi một cho 100% người dân trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện. Trên cơ sở số lượng vắc xin được cung cấp, chủ động điều phối, phân bổ thật hợp lý để cố gắng đảm bảo thời gian tối thiểu lịch tiêm chủng của từng loại vắc xin (đảm bảo thời gian tiêm giữa mũi 1 và mũi 2). Ưu tiên tiêm mũi 2 cho lực lượng shipper, lao động trong các doanh nghiệp vận tải, logistics, các ngành dịch vụ– thương mại quan trọng, các khu, cụm công nghiệp... Chuẩn bị các bước để tăng cường tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh: Xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân phối vắc xin từ Trung ương về tỉnh, huyện, xã một cách chi tiết, cụ thể. Đào tạo, huấn luyện các đội hỗ trợ, các đội tình nguyện về kỹ thuật khám sàng lọc, tiêm chủng. Củng cố, kiện toàn đội ngũ nhập liệu tiêm chủng để nhập liệu kịp tiến độ tiêm chủng lên hệ thống tiêm chủng quốc gia. 

Về thu dung, điều trị

 Phải tổ chức tốt công tác điều chuyển FO để sử dụng hết công năng các bệnh viên dã chiến của tỉnh; kịp thời cho F0 đủ điều kiện và thời gian được iện theo hướng dẫn của ngành y tế để sắp xếp, từng bước thu gọn các cơ sở cách ly điều trị ở tuyến huyện; đồng thời, tổ chức lại lực lượng và đảm bảo đầy đủ thuốc, oxy... cho các tầng điều trị bệnh nhân, giảm thiểu tối đa tử vong do Covid-19.  Nghiên cứu, ban hành biện pháp xử lý đối với các FO/F1 đã tiêm vắc-xin theo hướng cách ly tại nhà và được cung cấp “túi thuốc an sinh”. Huy động hệ thống y tế tư nhân, các bác sĩ đã nghỉ hưu và nhân lực từ các ngành nghề khác tham gia hướng dẫn, tư vấn cho F0 cách ly tại nhà, kết nối với cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu khi có dấu hiệu trở nặng. Có cơ chế giám sát, chế tài để bệnh nhân F0 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Không để xảy ra trường hợp bệnh nhân FO tử vong tại nhà. 

Về tổ chức lại hệ thống y tế

Đối với tuyến xã: Tổ chức tốt hệ thống giám sát và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Lấy trạm y tế xã, phường làm trung tâm, thành lập các trạm y tế lưu động trực thuộc trạm y tế xã, phường, thị trấn với số lượng phù hợp với dân số của từng khu vực để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong giai đoạn mới và đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Huy động lực lượng y tế và các cộng tác viên tại khu, ấp; tuyên truyền, vận động cán bộ y tế về hưu và tuyển chọn người mắc Covid đã khỏi bệnh để tham gia thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch tại cơ sở. Đến ngày 15/9/2021 phải đảm bảo 100% các xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế lưu động được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. 

Đối với tuyến huyện: Phấn đấu đến đầu tháng 11/2021, các địa phương cấp huyện phải chủ động bố trí riêng một bệnh viện/trung tâm hoặc từ 2 hoặc 3 huyện có dân số thấp, giáp ranh nhau có thể bố trí một bệnh viện trung tâm để dùng chung để chuyên thu dung điều trị FO tầng 1 và tầng 2 trong tháp điều trị Covid 03 tầng của Bộ Y tế. Từng bước hoàn trả lại các trường học, nhà xưởng... đã trưng dụng để làm nơi cách ly, thu dung điều trị để phục vụ giảng dạy, sản xuất. 

Đối với tuyến tỉnh: Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các bệnh viện, trung tâm y tế tuyển tỉnh, trong đó phải duy trì tốt các bệnh viện chuyên thu dụng điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 3 để vừa thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa điều trị bệnh nhân Covid. 

Đối với hệ thống Y tế tư nhân trên địa bàn: Phải được tổ chức theo hướng vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường theo quy định, vừa điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn 

Đối với các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp: Đến ngày 15/10 phải thành lập và tổ chức hoạt động các trạm y tế lưu động trong các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn theo hướng: Các doanh nghiệp phải tổ chức bộ phận y tế đúng theo Nghị định số 36/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời mỗi khu, cụm công nghiệp tùy theo số lượng công nhân phải thành lập số lượng trạm y tế lưu động phù hợp để đảm bảo vừa làm tốt các nhiệm vụ y tế theo quy định, vừa thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong doanh nghiệp. Khuyến khích xã hội hóa tham gia vào nhiệm vụ này 

Các nhóm nhiệm vụ hỗ trợ phục hồi kinh tế

Giai đoạn 1 (từ 15/9/2021 - 31/10/2021): Ưu tiên triển khai việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn các vùng xanh gồm các huyện phía Bắc: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và Thành phố Thủ Dầu Một. Tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ; mở rộng vùng xanh. Thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Về tổ chức sản xuất kinh doanh và lưu thông: thực hiện theo quy định tại công văn số 4547/UBND-VX ngày 09/9/2021 của UBND tỉnh về việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và công văn số 4593/UBND VX ngày 10/9/2021 của UBND tỉnh về phương án lưu thông liên huyện vùng xanh trên địa bàn huyện phía Bắc. 

Giai đoạn 2 (từ sau 31/10/2021): Nếu vắc xin được cung cấp liên tục, đầy đủ, khoảng đầu tháng 10/2021, Bình Dương sẽ hoàn thành tiêm đủ 02 mũi vắc xin cho toàn bộ người dân trong tỉnh. Sau 15 ngày để vắc - xin phát huy tác dụng là khoảng ngày 31/10/2021 sẽ cơ bản đạt miễn nhiễm cộng đồng. Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vùng vàng: mở cửa lại các hoạt động kinh tế xã hội một cách có chọn lọc, ưu tiên các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, loại trừ một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch như: karaoke, vũ trường, quán bar, massage... (giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu danh mục cụ thể). Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn: Tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn. 

Giai đoạn 3 (từ sau 31/12/2011): Trường hợp kiểm soát dịch bệnh thành công và không còn vùng đỏ, vàng vàng: mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội. Một số ngành nghề nhạy cảm, dễ gây bùng phát dịch sẽ phải có tiêu chí điều kiện hoạt động (giao ngành y tế và các ngành có liên quan tham mưu các điều kiện, thời gian và tiêu chí áp dụng khi cho phép hoạt động trở lại). Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn: Tùy theo mức độ và khuyến nghị của ngành Y tế, sẽ điều chỉnh quay về giai đoạn trước đó hoặc quản lý chặt hơn. 

Nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất 

Về hỗ trợ tín dụng sẽ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Dương: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; nắm bắt thông tin tình hình khó khăn doanh nghiệp và kịp thời tháo gỡ, đặc biệt là các thủ tục về tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận và cập nhật các chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. 

Về hỗ trợ thực hiện các chính sách Thuế - Bảo hiểm xã hội

Giao Cục Thuế tỉnh: Chủ động triển khai đến doanh nghiệp với thủ tục rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và hỗ trợ doanh nghiệp tối đa để được hưởng các chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo dõi và chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh đối với các nội dung kiến nghị Chính phủ về chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19 là sự kiện bất khả kháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bảo hiểm xã hội tỉnh: nghiên cứu, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp. Hoãn nộp và giữ nguyên quyền lợi của người lao động bảo hiểm xã hội đến tháng 6/2022. 

Về hỗ trợ các chính sách về lao động giao Sở Y tế

Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hồ sơ nhập cảnh của lao động nước ngoài sau 15/9/2021 theo hướng dẫn tại Công văn số 6288/BYT-MT ngày 04/8/2021 về việc giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19; Công văn số 6386/BYT-MT ngày 06/8/2021 về việc áp dụng biện pháp phòng chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch Covid-19 của Bộ Y tế. 

Giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, cập nhật, đánh giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp, người lao động, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định. Tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp; có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động. Xây dựng phương án hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế. Nghiên cứu bổ sung các chính sách thuộc thẩm quyền và phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn. Giao Sở ngoại vụ phối hợp với các ngành thực hiện tiêm vắc-xin cho lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh 

Về hỗ trợ tiếp cận thị trường

Sở Công Thương chủ trì cùng UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan:Triển khai vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử tỉnh; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nội địa. Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội chợ, kênh thương mại trực tuyến để xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường mới. Khuyến khích các đơn vị liên quan đến dịch vụ logistics, tài chính, thuế, hải quan... cải tiến và nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu; khai thác tiềm năng của thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của tỉnh; kết nối với các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài có uy tín. 

Giao Cục Hải quan tỉnh: tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các khâu trong quá trình xuất nhập khẩu phù hợp với phương án phòng chống dịch và tình hình thực tế của tỉnh; đề xuất chuyển tối đa những thủ tục, chứng từ cho công tác xuất nhập khẩu sang hệ thống điện tử... 

Hỗ trợ tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình

Đối với các doanh nghiệp thương mại, hoạt động theo hướng dẫn của Sở Công Thương tại Kế hoạch số 2066/KH-SCT ngày 14/9/2021 về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị kinh doanh thương mại sau thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ ngày 15/9/2021. Đối với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp hoạt động theo hướng dẫn của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh tại Kế hoạch số 27 /KH-BQL ngày 14/9/2021 về Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp từ sau ngày 15/9/2021. Đối với các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp sản xuất ngoài khu công nghiệp: giao UBND cấp huyện chủ động ban hành văn bản hướng dẫn. 

Về thúc đẩy đầu tư Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các chủ đầu tư và doanh nghiệp: Xây dựng giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các doanh nghiệm nhỏ và vừa. Về thúc đẩy đầu tư công: phấn đấu thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 mức cao nhất có thể. Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng và rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng. Công tác tổ chức thi công công trình, triển khai dự án phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn, phòng chống dịch, gắn với bảo vệ sức khỏe và an toàn của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân và người lao động. Xác định các khó khăn vướng mắc chung, tác động đến nhiều dự án để lập phương án tháo gỡ, giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan trung ương có thẩm quyền giải quyết. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo phương án giảm nguồn vốn đầu tư để phục vụ cho phòng chống dịch bệnh covid – 19 khi được Trung ương cho phép. 

Về thúc đẩy các dự án đầu tư tư nhân

Rà soát, tổng hợp, phân nhóm các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng ngân sách nhà nước... để kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết với tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp tái hoạt động đầu tư xây dựng đảm bảo an toàn phòng chống dịch góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế, phục hồi hoạt động đầu tư xây dựng khi dịch được kiểm soát để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Thông tin Truyền thông chủ trì thực hiện các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Phối hợp Sở Y tế cập nhật, theo dõi Chứng nhận ngừa Covid-19 của Sổ Sức khỏe điện tử thuận tiện cho việc kiểm soát lao động trong tỉnh và cả ở các địa phương khác. Phối hợp Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ban hành chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR code cho công dân. Tiến tới chỉ áp dụng việc kiểm soát người dân di chuyển, làm việc, tham gia các hoạt động tại nơi công cộng khi đã có chứng nhận điện tử thay cho các hình thức khác...  Xây dựng kế hoạch khuyến khích đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số cá nhân trên mọi lĩnh vực để thực hiện các giao dịch trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. 

Sở Nội vụ chủ trì cùng các ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ 

tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng, số lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm hạn chế tối đa việc tập trung đông người. 

Đảm bảo các hoạt động an sinh xã hội

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã cung cấp, gửi danh sách công dân, đối tượng đề nghị hỗ trợ, hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho Công an cấp xã nơi công dân cư trú để thực hiện rà soát, đối sánh xác định đúng thông tin công dân, đối tượng hỗ trợ trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ việc quản lý, tra cứu, xác minh thông tin công dân trên địa bàn, không để trục lợi chính sách trái pháp luật. 

Sở Y tế chủ trì cùng Sở Lao động Thương binh và xã hội xây dựng kế hoạch chăm sóc sức khỏe tinh thần cho sáu nhóm đối tượng dễ bị tác động hoặc có nguy cơ tác động cao về tâm lý”. Bổ sung, bồi dưỡng, bố trí lực lượng công tác xã hội, tâm lý học, sức khỏe tâm thần ... đến các đơn vị cơ sở y tế để hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Tăng cường giám sát các biện pháp thực thi ở địa phương về y tế, về an sinh ... để giúp người dân yên tâm, giảm thiểu lo lắng, căng thẳng. Xây dựng các mô hình chăm sóc, điều trị chuyên sâu về sức khỏe tinh thần để có sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng cần hỗ trợ. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 của HĐND tỉnh về mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội và chính sách cho một số đối tượng bảo trợ xã hội đặc thù trên địa bàn tỉnh. 

Về công tác giáo dục - đào tạo 

Sở Giáo dục Đào tạo chủ trì cùng các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng phương án phòng chống dịch khi chuyển từ hình thức học trực tuyến sang trực tiếp và có phương án xử lý trường hợp có F0 trong trường học; chuẩn bị vật tư y tế xét nghiệm định kỳ tại các trường, không được chủ quan lơ là. Củng cố lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường đảm bảo đủ để hoạt động trở lại, ưu tiên tiêm đủ 02 mũi vắc xin cho đội ngũ giáo viên. Hướng dẫn bố trí việc dạy học trực tuyến theo hướng giảm tải chương trình và cho phép giáo viên chủ động, sáng tạo, bảo đảm khả năng tiếp thu nội dung môn học, tránh việc học sinh phải online liên tục ảnh hưởng sức khỏe, chú ý các giải pháp phải tính đến gánh nặng kinh tế cho phụ huynh học sinh trong việc trang bị thêm máy móc, thiết bị để đáp ứng yêu cầu học trực tuyến, đặc biệt đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.  Khẩn trương triển khai Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 của HĐND tỉnh về học phí năm học 2021 – 2022 trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết 09/2001/NQ-HĐND ngày 14/9/2021 của HĐND tỉnh Quy định về việc hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Về công tác thông tin và truyền thông

Sở Thông tin và truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương trong tỉnh: Tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến từng cán bộ, đảng viên, nhân dân và công nhân lao động về tính nguy hiểm và tác hại nghiêm trọng của dịch Covid - 19, về các qui định phòng, chống dịch. Luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phù hợp với những định hướng của tỉnh khi chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tăng cường công tác truyền thông "Thông điệp 5T" của Bộ Y tế và và tư vấn sức khỏe thông qua tổng đài “1022”. Thông tin phản ảnh tình hình thực tế điều hành, chỉ đạo chống dịch tại các cấp chính quyền địa phương, tăng cường hiệu quả giám sát, tổ chức thực hiện ở cấp cơ sở. Kết hợp biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị và người dân đã làm tốt công tác phòng, chống dịch. Phát hiện, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với sức khỏe, tính mạng của người dân; xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân; đấu tranh phản bác tin đồn thất thiệt, thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình, diễn biến dịch bệnh và các định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Về đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội

Thường xuyên nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, dự luận trong nhân dân, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phát hiện, xử lý ngay từ cơ sở những dấu hiệu có thể gây mất ổn định an ninh, trật tự, phát sinh thành “điểm nóng”; không để số đối tượng phản động, chống đối chính trị trong và ngoài gia tăng các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách phòng, chống dịch bệnh, gây mất niềm tin của Nhân dân với chính quyền. Chủ động có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh không để tội phạm gia tăng phức tạp gây bức xúc trong nhân dân, chuẩn bị đầy đủ các phương án, kế hoạch huy động lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự, xử lý ngay tại cơ sở các tình huống tụ tập đông người, gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn. 

Các Sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh Bình Dương có nhiệm vụ thực hiện nghiêm để góp phần thúc đẩy nền kinh tế được phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng vì dịch bệnh. Luôn đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 một cách an toàn, hiệu quả nhất.

Phi Phụng.

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận