Chiếc trực thăng Mi-17 hạ cánh tại sân bay bang Nam Carolina của Mỹ gây chú ý vì do Nga sản xuất nhưng lại được quân đội Mỹ vận hành.
Ngày 2/10, các bức ảnh chụp chiếc Mi-17 bí ẩn bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội tại Mỹ, với một số nguồn tin cho rằng chiếc trực thăng này tham gia nỗ lực cứu trợ bão ở Bắc Carolina. Tuy nhiên, những tuyên bố này đã bị bác bỏ.
Theo trang tin hàng không The Aviationist, chiếc trực thăng không có dấu hiệu nhận dạng đã đến sân bay Columbia Metropolitan ở Nam Carolina để tiếp nhiên liệu nhanh trong chuyến đi từ một địa điểm bí mật và đích đến được cho là bang Florida.
Nhiếp ảnh gia Chris Jackson, người đã chụp các bức ảnh Mi-17, cho biết, chiếc trực thăng bay đến một cách âm thầm, không phát bất kỳ dữ liệu giám sát ADSB/MLAT/TIS-B nào.
Chiếc Mi-17 mang mã hiệu liên lạc “Helicopter 2133”, tương ứng với số đăng ký 20-2133 trên đuôi trực thăng. Trực thăng cũng có thể được nghe thấy khi nói chuyện với kiểm soát không lưu qua trang web LiveATC khi tiếp cận và chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Columbia.
Theo nhiếp ảnh gia Jackson, Mi-17 đến đường băng 23, sau đó chuyển sang đường lăn Delta trước khi đi thêm vài chục mét vào khu vực FBO Hàng không Columbia.
FBO có hợp đồng với chính phủ Mỹ để cung cấp dịch vụ nhiên liệu cho máy bay quân sự, với các trực thăng UH-60 và AH-64 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia thường xuyên dừng lại tại sân bay. Mi-17 đã thực hiện một lượt tiếp nhiên liệu nhanh chóng trước khi rời đi ngay sau đó về phía tây nam.
Theo Aviationist, một số trực thăng Mi-17 được cho là do Văn phòng Công nghệ Hàng không bí mật của Lục quân Mỹ vận hành và hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm trong các nhiệm vụ bí mật. Ngoài ra, một số chiếc khác cũng được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng.
Như ông Jackson đã đề cập khi chia sẻ các bức ảnh, Mi-17 trong quân đội Mỹ là một hiện tượng không phổ biến đối với những người đam mê hàng không. Loại trực thăng này đôi lúc được phát hiện hoạt động tại Mỹ mà không có bất kỳ dấu hiệu nhận dạng nào.
Lần gần đây nhất là vào giữa tháng 8 vừa qua, khi một chiếc Mi-171E1 (biến thể xuất khẩu của Mi-17) hạ cánh tại một quận ở Bắc Carolina và thả xuống các binh sĩ với balô - những người này sau đó biến mất vào khu rừng gần đó. Những binh sĩ này đã rời đi vào sáng hôm sau trên cùng chiếc trực thăng, dẫn đến các bài viết trên mạng xã hội về “khủng bố” hoạt động trong khu vực.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết tình huống đã bị “thổi phồng”, vì những binh sĩ đó thực chất là quân nhân tham gia cuộc diễn tập do Lục quân Mỹ phối hợp. Trên thực tế, Lục quân đã cố gắng liên lạc với chủ sở hữu của cánh đồng nơi chiếc trực thăng hạ cánh để xin phép, nhưng do có sự thay đổi về quyền sở hữu, Lục quân cuối cùng đã liên lạc với chủ sở hữu của cửa hàng nằm trên cánh đồng, thay vì chủ sở hữu cánh đồng.
“Lục quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận tại Cộng đồng Eldorado của quận Montgomery hồi đầu tuần này, sử dụng một chiếc trực thăng không thuộc quân đội Mỹ”, Cảnh sát trưởng quận Montgomery, ông Pete Herron, nói với CBS 17 News. “Lục quân đã thừa nhận thiếu sót về mặt liên lạc”, ông cho biết.
Chiếc trực thăng này hoàn toàn không có dấu hiệu nhận dạng, được sơn hoàn toàn màu xám với số hiệu hiển thị trên đuôi. Ngoài bộ lọc tách hạt ở cửa hút gió của động cơ, chiếc Mi-171E1 này còn có một số bổ sung hiếm gặp.
Thực tế, chiếc trực thăng này được trang bị một radar không xác định trên mũi, một tháp điện quang/hồng ngoại (EO/IR) dưới mũi (có thể là cảm biến SAFIRE 380X) và nhiều ăng-ten trên đuôi, bao gồm một ăng-ten có thể được sử dụng cho thông tin vệ tinh (SATCOM).
Chiếc trực thăng được phát hiện vào tháng 8 có cấu hình tương tự chiếc được nhìn thấy hồi tháng 10, chỉ khác số hiệu (20-2131).
Một chiếc Mi-171 khác với cấu hình tương tự, nhưng sơn màu khác, được phát hiện vào năm 2021, khi nó phải hạ cánh khẩn cấp ở bang Bắc Carolina. Đến nay, 5 chiếc trực thăng khác nhau đã được nhìn thấy, nhưng theo một số nguồn tin, có thể có tổng cộng khoảng 30 chiếc Mi-17 đang được vận hành tại Mỹ.
Một số trực thăng Mi-17 được biết đến rộng rãi là do CIA vận hành, mặc dù một số chiếc do các nhánh khác của quân đội Mỹ điều hành. Đơn vị được cho là vận hành chiếc trực thăng trong các bức ảnh mới nhất là Lục quân Mỹ, cụ thể là Văn phòng Công nghệ Hàng không (ATO), có trụ sở tại sân bay quân sự Felker ở bang Virginia. Hình ảnh vệ tinh (có sẵn, công khai) cho thấy một số chiếc Mi-17 đậu tại sân bay Felker.
ATO trước đây được gọi là Cục Khái niệm Bay (Flight Concepts Division - FCD). ATO được coi là một trong những đơn vị hàng không quân sự bí mật nhất. Một trong những vai trò của họ là âm thầm hỗ trợ hàng không cho các lực lượng đặc nhiệm trong các nhiệm vụ bí mật.
Việc lựa chọn Mi-17 cho vai trò này là rõ ràng, vì Mi-17 (cùng với mẫu Mi-8 ban đầu mà Mi-17 dựa vào) là loại trực thăng được sản xuất nhiều nhất trên thế giới với hơn 17.000 chiếc được chế tạo kể từ năm 1961.
Một vai trò khác của ATO là phát triển các công nghệ mới cho Hàng không Lục quân Mỹ, và thực tế, đây là một phần chính thức của Ban Giám đốc Thử nghiệm Bay của Hàng không Lục quân Mỹ. Đơn vị này được cho là đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển biến thể tàng hình của trực thăng Black Hawk, đã được sử dụng trong cuộc đột kích dẫn đến cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden.
Trực thăng Mil Mi-17 do Nga chế tạo (tên mã NATO là “Hip”) là dòng trực thăng đa dụng, kích thước trung bình, được sản xuất với nhiều phiên bản khác nhau, bao gồm trực thăng vũ trang và trực thăng vận tải chiến thuật. Loại máy bay này có lịch sử hoạt động tại ít nhất 75 quốc gia, bao gồm nhiều nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi, Mỹ và Canada.
Năm 2007, việc sản xuất Mi-17 bắt đầu diễn ra tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, theo Global Security. Năm 2008, nhà máy của Công ty Cổ phần Nhà máy Trực thăng Mil Moscow và Công ty Trực thăng Tứ Xuyên Lam Điền chế tạo được 20 chiếc trực thăng Mi-17. Công ty Trung Quốc lên kế hoạch chế tạo các biến thể Mi-171, Mi-17V-5 và Mi-17V-7.
Năm 2021, có nguồn tin nói rằng Trung Quốc sẽ thay thế Mi-17 do Nga sản xuất bằng Z-20 của riêng họ, ngoại trừ dòng trực thăng tấn công Mi-171Sh; đơn đặt hàng Mi-17 cuối cùng là vào năm 2014, Defense World đưa tin.
Tháng 10/2021, Nga chuyển giao cho Mali 2 chiếc trực thăng Mi-171Sh và 2 chiếc trực thăng Mi-17V-5 trong khuôn khổ hợp đồng được ký vào tháng 12/2020, theo Defencenet. Năm 2021, Bangladesh và Peru mỗi nước đặt mua 2 chiếc Mi-171A2. Tháng 7/2022, Chính phủ Philippines hủy thỏa thuận mua 16 chiếc trực thăng Mi-17 do lo có thể bị Mỹ trừng phạt, theo AP.
Mi-17 đã chứng minh được rằng nó là dòng trực thăng bền bỉ, đáng tin cậy và dễ vận hành, rất phù hợp với các môi trường khắc nghiệt và các hoạt động trong khu vực tiền phương. Mi-17 có thể chở tối đa 30 người hoặc 4 tấn hàng hóa trong điều kiện thời tiết nóng và ở độ cao lên đến 6 km.
Năm 2021, trang web của nhà sản xuất trực thăng Nga khẳng định, Mi-8/17 là trực thăng được sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử.