tạp chí bầu trời

Australia “chậm chân” trong việc phát triển ngành nhiên liệu hàng không bền vững

Nỗ lực cắt giảm khí thải carbon của các hãng hàng không Australia có khả năng bị trì hoãn do chính phủ nước này chậm trễ trong việc thiết lập một ngành công nghiệp nhiên liệu máy bay thay thế.

Nỗ lực cắt giảm khí thải carbon của các hãng hàng không Australia, theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về lộ trình giảm phát thải tự nguyện bắt đầu từ năm 2022 và sẽ trở thành quy định bắt buộc từ năm 2027, có khả năng bị trì hoãn do chính phủ nước này chậm trễ trong việc thiết lập một ngành công nghiệp nhiên liệu máy bay thay thế.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh do tạp chí Australian Financial Review tổ chức vào tuần trước, Giám đốc điều hành hãng hàng không Qantas cho biết hiện nay trên thế giới, các hãng hàng không đều đang tích cực hướng tới mục tiêu cắt giảm khí thải carbon, dựa trên việc thay thế nguồn nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học dành riêng cho máy bay.

 

Nguồn nhiên liệu máy bay thay thế này, hay còn được gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) được chế tạo từ rác thải nhựa, dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật hay sinh khối như tảo, dăm bào… Sử dụng nhiên liệu SAF tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn tới 80% so với nhiên liệu máy bay thông thường.
Hiện SAF không được sản xuất tại Australia với quy mô thương mại. Do đó, các hãng hàng không của Australia, như Qantas, đang phải mua SAF tại các thị trường nước ngoài, khiến chi phí tăng cao và số lượng bị hạn chế. 

Bà Shahana McKenzie, Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghiệp Bioenergy Australia, cho biết “xứ Chuột túi” đang bị “bỏ lại phía sau” trong bối cảnh Mỹ và châu Âu đã đầu tư hàng tỷ USD, cũng như đưa ra những chính sách khuyến khích, bảo lãnh doanh nghiệp hoạt động, để phát triển ngành công nghiệp SAF trong nước.
Bà McKenzie nói các quốc gia khác xem SAF như một ngành công nghiệp mới nhiều hứa hẹn. Nếu Australia không đẩy nhanh tiến độ xây dựng ngành công nghiệp SAF nội địa, thì các hãng hàng không sẽ buộc phải nhập khẩu nguồn nhiên liệu mới này từ nước ngoài, với chi phí cao, đồng thời gây lãng phí cơ hội dành cho các doanh nghiệp trong nước.
Bà McKenzie nhấn mạnh việc sản xuất SAF có thể tạo thêm một nguồn thu nhập mới cho người nông dân Australia, góp phần mở rộng số lượng việc làm. Vào năm ngoái, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Australia (ARENA) đã thông báo một khoản đầu tư trị giá 33,5 triệu AUD (23,45 triệu USD) dành cho phát triển ngành năng lượng SAF.

Tuy nhiên, khoản đầu tư này là quá nhỏ, không đủ để tạo ra một ngành công nghiệp địa phương mới và SAF đang nhận được sự quan tâm ít hơn từ chính phủ, so với một số ngành công nghiệp năng lượng hứa hẹn khác như hydro, vốn bị hạn chế ứng dụng trong ngành hàng không ở ngắn hạn.
Tại Australia, Tập đoàn dầu khí khổng lồ BP đã trở thành đơn vị tiên phong, chuyển đổi nhà máy lọc dầu Kwinana, gần khu vực Fremantle ở bang Tây Australia, thành nhà máy dầu diesel tái tạo và SAF đầu tiên của Australia. Tuy nhiên, tập đoàn này cho biết việc thiếu sự hỗ trợ, cũng như kêu gọi của chính phủ đã kìm hãm hoạt động sản xuất của địa phương.
Đại diện của Tập đoàn BP nói các quốc gia có khuôn khổ pháp lý rõ ràng đang thu hút đầu tư nhiều hơn vào các dự án cung ứng SAF. Trong ngắn hạn, để ngành công nghiệp SAF nội địa phát triển, chính phủ và các bên liên quan khác cần có nhiều hơn nữa sự thúc đẩy,ủng hộ, thông qua các biện pháp khuyến khích chính sách.
Tháng 11/2021, Chính phủ Australia đã công bố lộ trình phát triển ngành năng lượng sinh học, trong đó đề cập tới việc ngành hàng không nội địa sẽ chuyển sang sử dụng 18% nhiên liệu SAF vào năm 2030. Lộ trình này nằm trong kế hoạch nhằm đạt mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 của Canberra.
Phát ngôn viên của Bộ Năng lượng và Phát thải Australia cho biết chính phủ đã hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học thông qua Lộ trình Đầu tư Công nghệ và sẽ tiếp tục làm việc với ngành công nghiệp để phát triển chi phí sản xuất thấp hơn thông qua gói tài trợ cho ARENA trong tương lai.
Hiệp hội Du lịch Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo SAF có thể chiếm 2% lượng nhiên liệu máy bay sử dụng trên toàn cầu vào năm 2025, 17% vào năm 2035 và 65% vào giữa thế kỷ này. Trên thế giới, việc sử dụng nguyên liệu SAF hiện vẫn chưa đáng kể do giá thành cao, đắt gấp 2-3 lần so với nhiên liệu xăng truyền thống.

Do đó, việc tăng quy mô sản xuất lớn hơn được coi là chìa khóa để giảm chi phí SAF xuống ngang bằng với dòng nhiên liệu máy bay chạy bằng năng lượng hóa thạch./.

Theo https://bnews.vn/australia-cham-chan-trong-viec-phat-trien-nganh-nhien-lieu-hang-khong-ben-vung/236562.html

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận