Tin tức

Áp thấp nhiệt đới mới sắp vào Biển Đông, có thể mạnh thành bão

Nguyệt Quỳnh 16/09/2024 14:57

Áp thấp nhiệt đới hình thành ngoài khơi Philippines dự kiến đi vào Biển Đông, hướng về phía quần đảo Hoàng Sa trong đêm 16, ngày 17/9.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines).

dbqg_xtnd_20240916_1400.gif
Bản đồ dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF.

Hồi 13h, tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ vĩ bắc, 123,9 độ kinh đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm đạt cấp 6-7 (39-61 km/h), giật cấp 9. Áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây, tốc độ khoảng 15 km/h.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định trong đêm nay và sáng mai, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông. Đến 13h ngày 17/9, tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, vẫn giữ cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Áp thấp nhiệt đới sau đó di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 18/9, áp thấp cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350 km về phía đông đông nam và mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 hoạt động trên Biển Đông trong năm nay. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, mỗi giờ đi được 20 km.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng 17/9, vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có mưa rào và giông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 9 (75-88 km/h), biển động mạnh. Vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông sóng cao 2-4 m.

Hiện, Biển Đông có gió mạnh, sóng lớn do sự kết hợp của dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới và gió mùa tây nam. Khu vực thời tiết xấu là giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan.

Dự báo, ngày và đêm 16/9, vùng biển từ Ninh Thuận - Cà Mau, phía nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng cao 2-4 m.

Vùng biển từ Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Ngoài ra, ngày và đêm 16/9, vùng biển từ Quảng Trị - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và giông.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo trong năm mùa mưa bão năm 2024, khoảng 9-11 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, khoảng 4-6 cơn bão/áp thấp nhiệt đới có thể tác động đất liền. Số lượng này tương đương với trung bình nhiều năm.

Từ tháng 9 đến tháng 11, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%. Từ tháng 12 năm nay đến tháng 2/2025, dự báo hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%.

Dự báo từ nay đến cuối năm, Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 3-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Càng về cuối năm, mưa, bão, lũ có nguy cơ xảy ra dồn dập với nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt ở khu vực miền Trung.

ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation để chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina.

El Nino nghĩa là "Cậu bé", La Nina nghĩa là "Cô bé" trong tiếng Tây Ban Nha. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, cả El Nino và La Nina đều là những kiểu khí hậu ở Thái Bình Dương có thể có tác động toàn cầu đến thời tiết, cháy rừng, hệ sinh thái và nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thấp nhiệt đới mới sắp vào Biển Đông, có thể mạnh thành bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO