Nhiều hãng hàng không đang tìm kiếm một sự thay cho những chiếc 767 và người anh em thân hẹp 757 của nó. Đây chính là lúc "Máy bay Tầm trung Mới" (New Midsize Airplane - NMA) xuất hiện.
Máy bay chở khách hiện tại của Boeing bao gồm 737 cho các chặng bay ngắn, 767 cho các chuyến bay tầm trung, 787 cho các tuyến bay đường dài và 777 cho các chuyến bay siêu dài.
Ngoài 737, được giới thiệu vào năm 1967 và được nâng cấp vào năm 2017 thành 737 MAX, thiết kế lâu đời nhất trong đội bay hiện tại của Boeing là 767.
Vì NMA được thiết lập để thay thế Boeing 767, nó sẽ nằm giữa dòng máy bay Boeing 737 thân hẹp và máy bay Boeing 787 thân rộng đường dài.
Các máy bay 767 hiện tại có sức chứa 214-296 ghế trong cấu hình hai hạng ghế, với phạm vi bay 7.200-12.200 km.
Boeing 797 cỡ trung có thể có sức chứa và phạm vi bay tương tự nhưng sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn và hiệu quả nhiên liệu tốt hơn, do đó chi phí vận hành thấp hơn.
Điều này khiến NMA trở nên tối ưu cho các tuyến bay liên lục địa giữa các thành phố nhỏ hơn và có thể mở ra các chặng bay mới kết nối các thành phố chưa có đường bay thẳng.
Phó chủ tịch Boeing Mike Delaney cho biết vào năm 2017 rằng dòng máy bay tầm trung mới sẽ có 220-270 chỗ ngồi giống 787 Dreamliner.
Boeing đã tham khảo ý kiến của 57 hãng hàng không về cách xây dựng NMA và hầu hết trong số họ thích một thiết kế ưu tiên chỗ ngồi thoải mái và giảm thời gian quay vòng giữa các chuyến bay.
Vì vậy, 797 có thể sẽ là máy bay phản lực thân rộng hai lối đi có thể chở 220-270 hành khách và bay xa tới 9.200 km, tương tự như Boeing 767.
Nhà sản xuất máy bay Mỹ lần đầu tiên công bố một số chi tiết về khái niệm NMA của mình trong Triển lãm hàng không Paris 2017.
Boeing cho biết họ sẽ tái sử dụng một số công nghệ từ dòng 777 và 787, cũng như sử dụng rộng rãi vật liệu composite trong quá trình chế tạo.
Theo lịch trình mà Boeing công bố, dự án 797 bắt đầu vào năm 2017, lắp ráp và thử nghiệm vào khoảng đầu những năm 2020 để giao hàng đầu tiên vào năm 2025.
Tuy nhiên, từ năm 2018, một số hãng hàng không nghi ngờ lịch trình này. Tháng 2/2019, Boeing đã công bố quyết định hoãn việc ra mắt NMA cho đến năm 2020. Công ty vẫn tự tin về khả năng đưa máy bay mới vào hoạt động vào năm 2025.
Các mốc thời gian đã thay đổi vào năm 2020, khi công ty trải qua cuộc khủng hoảng với dòng 737 MAX. Tổng giám đốc điều hành của Boeing khi đó là David Calhoun tuyên bố rằng công ty sẽ có cách tiếp cận khác với NMA.
Theo thông cáo báo chí vào tháng 9, Boeing cho biết trong hợp đồng mới với Hiệp hội Thợ máy và Nhân sự hàng không (IAM) rằng họ sẽ chế tạo dòng máy bay mới tại tiểu bang Washington (Mỹ).
Điều này làm dấy lên tin đồn rằng Boeing sẽ sớm khởi động lại dự án NMA.
Boeing bắt đầu công tác chuẩn bị ban đầu cho dự án NMA vào năm 2017, nhưng cho đến năm nay, công ty vẫn chưa chính thức ra mắt.
Vấn đề lớn nhất của hãng trong thời gian qua là 2 vụ tai nạn chết người của máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019. Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đình chỉ hoạt động dòng máy bay này trong một thời gian dài.
Boeing đã phải ưu tiên đưa 737 MAX trở lại hoạt động. Tuy nhiên đến đầu năm 2024, 737 MAX lại trở thành tiêu điểm trên các tít báo. Lần này là tấm bịt cửa bị bung ra trong khi đang bay. Những bê bối lớn về an toàn buộc công ty phải có những thay đổi, bao gồm cả việc bổ nhiệm một CEO mới.
Hơn nữa, Boeing phải dồn lực cho chương trình Boeing 777X, một bản nâng cấp cho dòng máy bay 777 phổ biến của công ty, đã bị trì hoãn trong nhiều năm.
Máy bay dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2020 nhưng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chờ cấp chứng nhận.
Chiếc máy bay này dự kiến được giao vào nửa cuối năm 2025, trở thành một trong những dự án phát triển máy bay dài nhất trong lịch sử hàng không thương mại. Đáng nói đây chỉ là bản cải tiến của một thiết kế hiện có chứ không phải là một chiếc máy bay hoàn toàn mới.
Bên cạnh những vấn đề này, Boeing cũng có lượng đơn đặt hàng tồn đọng khổng lồ lên tới hơn 6.200 máy bay. Ước tính công ty sẽ mất ít nhất 11 năm để giải quyết hết đơn đặt hàng này dựa trên sản lượng năm 2023.
Vì vậy việc bắt đầu một dự án mới ngay bây giờ sẽ khiến khách hàng của Boeing cảm thấy không hài lòng vì họ có thể phải chờ thêm nhiều năm để nhận được máy bay của mình.
Bất chấp mọi chuyện đã xảy ra tại Boeing, một số hãng hàng không đã bày tỏ sự quan tâm đến NMA. Danh sách này bao gồm United Airlines, Emirates, Alaska Airlines, American Airlines, Copa Airlines, Delta Airlines và Qantas.
Đại diện Copa Airlines cho biết NMA sẽ cho phép hãng cung cấp nhiều ghế ngồi cũng như phạm vi hoạt động xa hơn trong khi chi phí vận hành ít hơn dòng máy bay thân rộng như Airbus A330neo hoặc Boeing 787 Dreamliner.
Hãng hàng không Qantas của Australia muốn NMA cho các tuyến bay nội địa của mình, đặc biệt là khi lượng khách ngày một tăng cao, giúp hãng có thêm sức chứa mà không cần phải mua thêm chỗ đậu tại sân bay.
Tuy nhiên, một số hãng hàng không đã không đủ kiên nhẫn để đợi 797 ra đời, đã chuyển sang các mẫu máy bay khác. United Airlines đã mua 130 máy bay Airbus A321neo và 50 máy bay A321XLR, một số trong đó dự định thay thế đội bay 757 cũ của hãng.
Mặc dù Boeing NMA được cho là sẽ thay thế 757 và 767, các hãng hàng không không chỉ giới hạn ở Boeing về các tùy chọn máy bay của hãng này.
Đối thủ lớn nhất của Boeing là Airbus cũng đang muốn giành đơn hàng từ một số hãng hàng không đang tìm cách thay thế hoặc mở rộng đội bay hiện tại. Để làm được điều đó, Airbus không cần phải chế tạo một chiếc máy bay hoàn toàn mới.
Airbus đã có A321neo và A321XLR, các phiên bản phái sinh của thiết kế A320 phổ biến, cung cấp phạm vi và sức chứa phù hợp với những chuyến bay tầm trung.
Ví dụ, A321neo có sức chứa tối đa là 244 chỗ ngồi, có thể chứa 180-220 hành khách trong cấu hình hai hạng ghế thông thường và có phạm vi hoạt động gần 6.500-7.400 km.
A321XLR mở rộng phạm vi hoạt động đó lên khoảng 8.700 km, khiến nó trở thành sự thay thế hoàn hảo cho 757 và 767.
Và nếu các hãng hàng không nhiều cần sức chứa hơn, Airbus cho biết họ có kế hoạch sửa đổi A330neo để trở thành đối thủ cạnh tranh của 797.