Vụ rơi máy bay khiến 62 người thiệt mạng ở Brazil là một trong những bi kịch thảm khốc nhất của ngành hàng không.
Tai nạn rơi máy bay của hãng hàng không Voepass ở Sao Paulo (Brazil) khiến toàn bộ 62 người thiệt mạng chỉ là vụ mới nhất trong một loạt các bi kịch hàng không trong 10 năm qua.
Đây cũng là vụ tai nạn hàng không chết người nhiều nhất kể từ tháng 1/2023 - thời điểm 72 người tử vong trên máy bay của Yeti Airlines ở Nepal. Chiếc máy bay của Yeti Airlines cũng là ATR 72 và nguyên nhân tai nạn cuối cùng được ghi nhận là do lỗi của phi công.
Vụ rơi máy bay ATR 72 của hãng hàng không Voepass (Brazil) xảy ra lúc 13h30 ngày 9/8 (giờ địa phương), khi đang trên đường từ thành phố Cascavel (bang Parana) đến thành phố Guarulhos (bang Sao Paulo). Không có thương vong với người dân ở mặt đất dù máy bay rơi xuống khu dân cư.
Dựa vào những hình ảnh trên mạng xã hội, chiếc máy bay đã lao xuống mặt đất theo phương thẳng đứng và xoay vòng trong lúc rơi.
Dữ liệu của Flightradar24 ghi nhận máy bay đang ở độ cao 5.200 m trước khi mất kiểm soát và rơi nhanh chóng vào khoảng 13h21 ngày 9/8 (giờ địa phương). Vận tốc rơi vào thời điểm đó lên đến 442 km/h, tức nhanh gấp 10 lần tốc độ hạ xuống bình thường của phi cơ. Dữ liệu truyền về lần cuối cùng vào 13h22 cho thấy máy bay lúc đó chỉ còn ở độ cao 1.250 m và tốc độ rơi vượt 225 km/h.
Hôm 9/8, hãng hàng không Voepass của Brazil cho biết máy bay gặp nạn của hãng chở 57 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn, song đến ngày 10/8 xác nhận còn một hành khách chưa được thống kê, nâng con số thương vong trong vụ rơi máy bay lên 62 người.
Giới chức Brazil cho biết đang phân tích hộp đen của máy bay để điều tra chi tiết vụ tai nạn. Viết trên mạng mạng xã hội X ngày 10/8, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay ở Sao Paulo.
Chiếc máy bay chở khách Boeing 737-800 của hãng hàng không China Eastern Airlines (Trung Quốc) đang bay từ Côn Minh đến Quảng Châu ngày 21/3/2022 thì lao xuống một khu vực miền núi ở Quảng Tây. Tất cả 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Hộp đen đầu tiên của máy bay, máy ghi âm buồng lái, được tìm thấy vào ngày 23/3/2022, trong khi máy ghi dữ liệu chuyến bay được tìm thấy sau đó 4 ngày. Flightradar24 cho biết chiếc máy bay giảm độ cao rất nhanh từ khoảng 8.870 m xuống khoảng 2.390 m chỉ trong một phút, chững lại và sau đó rơi tự do.
Các quan chức Mỹ cho rằng cánh của máy bay đã không hoạt động và thiết bị hạ cánh không hạ xuống. Họ tin rằng việc máy bay lao xuống gần như theo phương thẳng đứng có thể là do hành động cố tình của ai đó trong buồng lái.
Tuy nhiên trong thông cáo ngày 18/5/2022, Cục hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) bác bỏ các thông tin trên và tuyên bố cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến máy bay rơi.
Trước đó máy bay lao xuống đất với lực lớn đã tạo ra một hố sâu khoảng 20 m trên mặt đất.
Máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopia bay đến Nairobi (Kenya) rơi gần thị trấn Bishoftu, cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khoảng 62 km ngày 10/3/2019 (giờ địa phương).
Vụ tai nạn khiến 157 người gồm 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Chiếc máy bay xấu số mang số hiệu ET 302, cất cánh từ sân bay quốc tế Bole lúc 8h38 (giờ địa phương) và bị mất liên lạc chỉ 6 phút sau khi cất cánh.
Nhà chức trách Ethiopia khẳng định vụ tai nạn máy bay thảm khốc trên là do một thiết bị an toàn bị lỗi. Theo đó, cảm biến góc tấn (AOA) bên trái của máy bay đã bị hỏng ngay sau khi máy bay cất cánh và gửi dữ liệu sai đến hệ thống điều khiển chuyến bay, khiến Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển chuyến bay (MCAS) được kích hoạt và máy bay liên tục hạ độ cao khiến các phi công mất kiểm soát.
Chuyến bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air cất cánh từ sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (Indonesia) tới Pangkal Pinang (tỉnh Bangka Belitung) rơi xuống vùng biển thuộc huyện Tanjung Karawang (tỉnh Tây Java), chỉ 13 phút sau khi cất cánh ngày 29/10/2018.
Theo báo cáo của Flightradar24, chiếc Boeing 737 MAX này đã lên tới 1.524 m trước khi bị mất độ cao, sau đó lấy lại được độ cao trước khi lao xuống biển. Thông tin cuối cùng ghi nhận được là chiếc máy bay ở độ cao 1.113 m và tốc độ của nó đã tăng lên đến gần 640 km/h.
Toàn bộ 189 người trên chuyến bay thiệt mạng và nguyên nhân của sự cố là do lỗi của Boeing khi không lường trước được những rủi ro trong các thiết kế cho phần mềm điều khiển ở buồng lái của máy bay 737 MAX, cụ thể là MCAS.
Đồng thời, sự thiếu kỹ năng trong giao tiếp và điều khiển máy bay của phi hành đoàn trong bối cảnh xuất hiện nhiều cảnh báo và sự mất tập trung trong buồng lái đã gây ra tai nạn.
Chuyến bay mang số hiệu 911 của hãng hàng không British Oversea Airways Corporation (BOAC) bị rơi gần núi Phú Sĩ (Nhật Bản) vào ngày 5/3/1966, khiến toàn bộ 124 người thiệt mạng.
Chuyến bay cất cánh từ sân bay Haneda (Tokyo) đến Hong Kong (Trung Quốc) gặp phải nhiễu động chỉ ít phút sau khi cất cánh. Máy bay bắt đầu bốc khói trắng và lao thẳng xuống.
Các bộ phận của máy bay sau đó vỡ ra khi nó va chạm với mặt đất.
Chuyến bay Boeing 707-124 mang số hiệu N70775 của hãng hàng không Continental Airlines rơi gần Centerville, Iowa (Mỹ) ngày 22/5/1962 khiến toàn bộ 45 người trên chuyến bay thiệt mạng.
Chuyến bay khởi hành từ sân bay O'Hare lúc 20h35, dự kiến tới Kansas (Mỹ). Tuy nhiên máy bay phải chuyển hướng về về phía bắc sông Mississippi để tránh một cơn giông.
Một vụ nổ xảy ra ở nhà vệ sinh phía sau bên phải dẫn đến việc phần đuôi bị tách khỏi thân máy bay. Cấu trúc còn lại của máy bay chúi mũi xuống dữ dội khiến động cơ bị bung ra, sau đó rơi theo phương thẳng đứng và xoay vòng.
Cuộc điều tra sau đó xác định nguyên nhân gây tai nạn là một vụ đánh bom tự sát để lừa đảo bảo hiểm.