Tàu bay

5 lý do Airbus A350 được Vietnam Airlines và nhiều hãng ưa chuộng

Hoàng Anh 09/06/2024 18:25

Tầm bay xa, tốc độ cao, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng so với các tiền nhiệm, nội thất rộng rãi và hiện đại nhất từ Airbus, dễ hiểu khi A350 được ưa chuộng.

anh-chup-man-hinh-2024-06-08-luc-09.56.27.png
Chiếc A350 đầu tiên ra lò vào tháng 5/2013. Ảnh: Getty.
Chiếc A350 đầu tiên ra lò vào tháng 5/2013. Ảnh: Getty.
Chiếc A350 của Vietnam Airlines. Ảnh: Airbus.
Chiếc A350 của Vietnam Airlines. Ảnh: Airbus.
thumb-1920-1080459.jpeg
Không gian khoang thương gia A350.
Không gian khoang thương gia A350.

A350 là chiếc máy bay chở khách thân rộng hai động cơ hiện đại nhất ngành hàng không, được các hãng bay đặc biệt ưa chuộng. Sau 18 năm, Airbus bán được 1.308 đơn hàng A350. Họ đã bàn giao 602 chiếc cho đối tác. Thiết kế ban đầu của A350 ra mắt năm 2004, sau này nó chuyển sang thiết kế XWB (extra widebody - thân mở rộng) mang động cơ độc quyền Rolls-Royce Trent XWB.

A350 bắt đầu sản xuất hàng loạt từ năm 2010. Mẫu máy bay có hai biến thể A350-900 và biến thể kéo dài A350-1000. Qatar Airways trở thành khách hàng đầu tiên khi biến thể 900 đầu tiên bàn giao vào tháng 12/2014. Vào ngày 15/1/2015, hãng thực hiện chuyến bay A350 đầu tiên giữa Doha (Qatar) và Frankfurt (Đức).

A350 được định vị là đối thủ chính của Boeing 787 Dreamliner. Sự ăn khách và hiệu suất vượt trội của A350 là nguyên nhân khiến chính "người anh em" A330neo ế ẩm.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines, VNA) từng mua 10 chiếc Airbus A350 và thuê ngoài 4 chiếc. Chiếc đầu bàn giao năm 2015, đưa Vietnam Airlines trở thành hãng đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương và là hãng thứ hai trên thế giới khai thác mẫu tàu bay này.

Chiếc cuối cùng Airbus bàn giao cho VNA tháng 4/2019. Vietnam Airlines sử dụng A350 cho các đường bay dài đến Mỹ, châu Âu và đường bay nội địa bận rộn thứ tư hành tinh Hà Nội - TPHCM.

Các hãng bay ưa chuộng A350 vì nhiều lý do.

Tiết kiệm nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng

Khung máy bay A350 làm từ 53% composite carbon (carbon gia cố bằng sợi polymer), 19% nhôm và hợp kim nhôm - lithium, 14% titan, 6% thép và 8% hỗn hợp khác. Sử dụng chủ yếu carbon composite giúp trọng lượng máy bay nhẹ hơn nhưng độ bền không thay đổi. Khi trọng lượng giảm, máy bay bớt tiêu thụ nhiên liệu.

Hàm lượng kim loại ít đi cũng giảm chi phí bảo dưỡng mỏi kim loại. Airbus ước tính phí bảo dưỡng cho A350 ít hơn đến 30% so với A330.

Theo hãng hàng không Cathay Pacific, A350 đốt nhiên liệu ít hơn 25% so với hầu hết máy bay thế hệ trước, nghĩa là nó tạo ra ít khí thải carbon dioxide hơn. Nhờ A350 và các mẫu máy bay mới khác, Cathay giảm được 28% mức tiêu thụ nhiên liệu trong 26 năm qua, mặc dù đội bay hiện tại của họ lớn hơn so với thời điểm đó.

Không chỉ yên tĩnh bên trong, máy bay cũng yên tĩnh hơn ở bên ngoài, giúp giảm tiếng ồn sân bay nhờ động cơ Trent XWB sử dụng công nghệ và vật liệu mới nhất.

Sự ổn định về điều kiện trong cabin

Với hơn 70% khung thân sử dụng vật liệu composite, titan và hợp kim nhôm hiện đại, thân máy bay A350 cực kỳ chắc chắn, từ đó cho phép duy trì áp suất ổn định trong cabin.

Điều kiện áp suất trên khoang hành khách A350 luôn duy trì như ở độ cao 1.800 m. Nghĩa là bất kể với độ cao vật lý nào của máy bay - 10.000 m hay 13.000 m - áp suất trong cabin đều ở mức 1.800 m, giúp hành khách luôn cảm thấy dễ chịu.

A350 có không gian rộng rãi với chiều rộng 5,96 m, rộng hơn 47 cm so với đối thủ 787 Dreamliner. Cửa sổ A350 rộng và cao hơn mọi tàu bay Airbus, chế độ điều chỉnh ánh sáng điện tử cũng ưu việt hơn 787 Dreamliner. Ghế hành khách rộng hơn với độ ngả thoải mái, ghế hạng thương gia được bố trí riêng biệt với chế độ giường nằm có độ ngả 180 độ.

Airbus gần đây giới thiệu thiết kế cabin A350 mới với tên gọi NPS (Tiêu chuẩn Sản xuất Mới), rộng hơn cabin cũ 10,16 cm. Hai bên vách máy bay được thiết kế lại để tạo thêm 5,08 cm khoảng trống mỗi bên. Airbus cũng nâng cấp tính năng cách nhiệt để đảm bảo các đặc tính cách âm và cách nhiệt của máy bay không thay đổi dù vách mỏng đi.

85057885_2749041738505242_483732215109255168_n.jpeg
Buồng lái A350. Ảnh: Airbus.
Buồng lái A350. Ảnh: Airbus.
Phi công lái được A320, A340 hay A380 chỉ cần trải qua khoá đào tạo ngắn ngày để lái A350. Ảnh: Jet Photos.

1920x1080-1.png
1920x1080-2.png

Tốc độ

Tốc độ tối đa của A350 là 950 km/h, tốc độ tiết kiệm nhiên liệu là 903 km/h. Trong thế giới máy bay dân dụng, chỉ “Nữ hoàng bầu trời" Boeing 747 xếp trên A350 về vận tốc. Sức mạnh của A350 giúp các chuyến bay dài mất ít thời gian hơn. Vừa bay xa với thời gian ngắn hơn, vừa tiết kiệm nhiên liệu, dễ hiểu A350 được ưa chuộng đến vậy.

Các hãng bay châu Á rất ưa chuộng A350. Singapore Airlines đang khai thác chiếc này cho một trong những chặng bay thẳng dài nhất thế giới - từ JFK (New York) đến sân bay Changi (Singapore), dài 15.257 km, mất gần 19 tiếng bay.

Airbus còn giới thiệu chiếc A350ULR (tầm bay siêu dài) để bay những khoảng cách xa hơn nữa. Chiếc ULR tăng trọng lượng cất cánh tối đa, tăng thể tích khoang nhiên liệu thêm 24.000 lít, cho phép máy bay di chuyển được tới 18.000 km, tầm bay xa nhất thế giới máy bay dân dụng.

Buồng lái chiều chuộng phi công

Airbus cho biết chiếc máy bay này được “phi công thiết kế cho phi công”. Từ giai đoạn phác thảo ý tưởng, các phi công Airbus đã tham gia thiết kế buồng lái A350.

Buồng lái có 6 màn hình lớn, nâng cao khả năng hiển thị thông tin. Các màn hình cung cấp khả năng tương tác mở rộng cho phi công, được thiết kế để giảm khối lượng công việc tổng thể đồng thời nâng cao nhận thức về tình huống.

Không mất nhiều thời gian đào tạo

Phi công và hãng bay yêu thích A350 vì nó không khác biệt nhiều so với những "người anh em" cùng nằm trong hệ sinh thái Airbus. Do nhiều điểm tương đồng, các hãng hàng không có thể triển khai chương trình đào tạo phi hành đoàn chéo từ A350 qua các dòng A320, A340 và A380 với thời gian đào tạo lần lượt là 11, 10 và 5 ngày. Việc này cho phép các hãng hàng không bay hỗn hợp giữa các mẫu tàu bay, giúp tăng năng suất và tính linh hoạt.

A350 cũng dùng chung xếp hạng loại và khả năng đủ điều kiện bay cho một đội bay (SFF) với A330. Phi công của chiếc A330ceo/neo có thể đủ điều kiện lái A350 trong 8 ngày huấn luyện mà không cần thời gian bay mô phỏng đầy đủ. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, họ đủ điều kiện để vận hành cả hai mẫu máy bay bằng một chứng thực giấy phép duy nhất.

A350 là một trong những chiếc máy bay an toàn nhất thế giới. Sau hơn 9 năm sải cánh trên bầu trời, nó chưa từng xảy ra tai nạn khiến hành khách trên máy bay thiệt mạng. Sự cố duy nhất là vụ va chạm giữa chiếc A350 của Japan Airlines với máy bay của Cảnh sát biển Nhật Bản hôm 2/1, khiến 5 cảnh sát tử vong.



Theo Simple Flying
https://simpleflying.com/airbus-a350-popularity-analysis/
Copy Link
https://simpleflying.com/airbus-a350-popularity-analysis/
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
5 lý do Airbus A350 được Vietnam Airlines và nhiều hãng ưa chuộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO